SELECT MENU

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt: Nguyên nhân & cách xử lý

Cao Thao - - 5

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt và khóc thét vào ban đêm khiến nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng và không biết xử lý như thế nào. Trong bài viết dưới đây, Moaz BéBé sẽ cung cấp đầy đủ thông tin giúp bố mẹ hiểu lý do: vì sao trẻ ngủ hay giật mình? và mẹo chữa trẻ giật mình khóc đêm hiệu quả, mời bố mẹ tham khảo.

1. Trẻ sơ sinh giật mình hoảng hốt có biểu hiện như thế nào?

Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt là phản xạ tự nhiên của trẻ ở giai đoạn đầu đời. Trong y khoa, đây được gọi là phản xạ Moro thường diễn ra trong vài giây và biến mất.

>>Xem thêm: Bí kíp gia truyền khắc phục bé ngủ không ngon giấc cho ba mẹ

Trẻ sơ sinh giật mình hoảng hốt có biểu hiện như thế nào

Bé giật mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ có thể dễ dàng nhận ra khi bé ngủ, nếu không được ôm ấp vỗ về trẻ rất dễ bị giật mình biểu hiện với các phản ứng bất ngờ như đưa hai chân, hai tay lên cao rồi hạ xuống ngay lập tức hoặc có trẻ biểu hiện bằng cách nháy mặt và đầu hơi giật giật

2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt

Có thể nói, trẻ ngủ hay giật mình là biểu hiện đặc trưng và phổ biến ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt

Nguyên nhân khiến bé ngủ bị giật mình khóc thét

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Do phản xạ “giật mình” tự nhiên: Cũng giống như phản xạ bú, tìm vú mẹ,… giật mình cũng là một trong những phản xạ tự nhiên thường thấy đối với trẻ mới chào đời. Trẻ có hiện tượng giật mình hoảng hốt khi đang ngủ là do chưa quen với môi trường bên ngoài. Từ môi trường trong tử cung của mẹ chuyển sang môi trường mới trẻ có phản xạ giật mình nhằm bảo vệ cơ thể trước các mối đe dọa. Đây được xem là phản xạ bình thường vô hại và có thể biến mất khi trẻ được 3 – 6 tháng tuổi.
  • Do trẻ cảm thấy bất an: Khi trẻ cảm thấy sợ hãi, có cảm giác không an toàn hoặc đang ngủ nhưng mơ thấy ác mộng trẻ cũng rất dễ bị giật mình khóc thét khi ngủ
  • Do có tiếng ồn lớn: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, bé rất dễ bị giật mình trước những tiếng động lớn từ môi trường bên ngoài tác động hoặc trẻ cũng bị giật mình khi bố mẹ chuyển trạng thái từ ẵm bồng đến đặt xuống giường một cách đột ngột.
  • Do thay đổi ánh sáng bất ngờ: Các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của trẻ. Việc thay đổi bất ngờ ánh sáng như mở đèn, mở cửa sổ khi trẻ đang ngủ trong phòng tối cũng có thể kích hoạt phản xạ giật mình ở trẻ
  • Trẻ bị trào ngược dạ dày: Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bị giật mình khó ngủ một phần nguyên nhân là do trẻ bị trào ngược dạ dày
  • Trẻ bị thiếu canxi: Trẻ thiếu canxi bị còi xương, thấp bé và thường có biểu hiện vặn, rướn người và giật mình khi ngủ.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác nữa khiến trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt và khóc thét khi ngủ như: trẻ bị viêm tai giữa, viêm họng, giun sán, các bệnh liên quan đến tim mạch, suy nhược thần kinh, thiếu máu,… hoặc hệ thần kinh trung ương đang bị tổn thương hoặc rối loạn bẩm sinh.

3. Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình khóc thét có nguy hiểm không?

Mặc dù trẻ sơ sinh chỉ giật mình hoảng hốt trong vài giây ngắn ngủi nhưng để dỗ dành trẻ tiếp tục ngủ trở lại là rất khó và còn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình khóc thét có nguy hiểm không

Trẻ sơ sinh hay giật mình khóc thét có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé

Một số hệ lụy có thể xảy ra gồm:

3.1 Trẻ chậm tăng cân

Một giấc ngủ sâu sẽ giúp tái tạo năng lượng, phục hồi sức khỏe và giúp trẻ phát triển toàn diện. Khi trẻ ngủ ngon giấc các tuyến hormone sẽ sản sinh và tăng trưởng cao gấp 4 -5 lần so với bình thường. Nhờ thế mà trẻ có thể tăng cân đều và phát triển chiều cao tốt. Do đó, việc trẻ giật mình, khóc thét khi ngủ sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, không đảm bảo sự phát triển về thể chất cho trẻ

3.2 Làm giảm khả năng nhận thức

Trong những tháng đầu đời, não bộ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương. Những trẻ hay bị giật mình hoảng hốt thường có khả năng học hỏi và xử lý tình huống kém hơn những đứa trẻ khác. Không chỉ vậy, giật mình khi ngủ còn làm suy giảm các hormon tăng trưởng, gây ức chế hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

3.3 Tăng nguy cơ “đột tử” ở trẻ sơ sinh

Hiện tượng trẻ giật mình hoảng hốt và khóc thét khi đang ngủ nếu không được vỗ về, dỗ dành sẽ gây ức chế hô hấp khiến bé ngưng thở làm gia tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

3.4 Trẻ bị đói lả, mẹ dần mất sữa

Nhiều trẻ giật mình, khóc thét giữa đêm nhưng không được mẹ cho bú hoặc không chịu bú. Điều này sẽ khiến trẻ khó trở lại giấc ngủ và khóc nhiều sẽ khiến con đói lả. Việc sản xuất hormone điều hòa cảm giác thèm ăn cũng bị ảnh hưởng, cùng với đó là tình trạng giảm phản xạ bú khiến mẹ dần mất sữa.

4. Mẹo chữa trẻ giật mình khi khóc đêm

Để hạn chế tình trạng trẻ giật mình khóc đêm ngay cả khi trẻ đã lớn tầm 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi,… bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để giúp con có giấc ngủ ngon lành nhất.

>>Xem thêm: Trẻ mấy tháng hết gắt ngủ? mẹo chữa gắt ngủ cho trẻ

Mẹo chữa trẻ giật mình khi khóc đêm

Cách xử lý khi bé thường hay giật mình, khóc thét khi ngủ

4.1 Vỗ về, ôm ấp trẻ khi trẻ giật mình

Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ giật mình, khóc thét khi đang ngủ là do hoảng sợ. Để chấn an tinh thần, giúp trẻ cảm thấy yên tâm, lúc này mẹ nên ôm ấp, vỗ về trẻ bằng cách nhẹ nhàng xoa vùng lưng, vùng đầu của trẻ để con giảm đi căng thẳng và có thể dễ dàng trở lại với giấc ngủ ngon.

4.2 Quấn khăn cho trẻ khi đi ngủ

Quấn khăn cho trẻ khi ngủ được xem là giải pháp hữu hiệu giúp trẻ có những giấc ngủ ngon, không bị giật mình khi ngủ. Việc quấn khăn / mặc nhộng sẽ tạo cảm giác ấm áp, an toàn cho trẻ như khi còn trong bụng mẹ. Vì thế, trẻ hiếm khi bị giật mình hoặc vặn người quấy khóc về đêm.

4.3 Cho trẻ vận động nhiều hơn khi còn thức

Việc cho trẻ vận động thường xuyên không chỉ giúp trẻ kiểm soát được phản xạ cơ thể hiệu quả mà còn giúp trẻ không bị giật mình khi đang ngủ. Đặc biệt, bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen nằm sấp và tự ngóc đầu lên hoặc tự điều chỉnh được phần đầu và cổ nhằm tăng cường vận động cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ của trẻ.

4.4 Giúp trẻ phân biệt ngày – đêm, ngủ đúng giờ

Đôi khi, trẻ hay giật mình và khóc thét về đêm một phần nguyên nhân cũng là do trẻ ngủ ban ngày quá nhiều nên ban đêm trằn trọc, ngủ không sâu giấc và dễ bị thức giấc hơn. Để khắc phục điều này, bố mẹ nên tập cho trẻ phân biệt ngày – đêm và tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giấc.

Điều này sẽ thực hiện dễ dàng hơn với những trẻ lớn hơn tầm 3 tuổi, 4 tuổi. Khi con đã biết phân biệt thời gian cụ thể bố mẹ có thể phân tích để con hiểu và thay đổi giờ giấc ngủ sao cho phù hợp.

4.5 Duy trì không gian ngủ an toàn, yên tĩnh

Nếu được ngủ trong không gian yên tĩnh trẻ sơ sinh sẽ càng ngủ ngon và ít bị giật mình vào ban đêm hơn.

>>Xem thêm: Điểm danh một số loại âm thanh cho trẻ sơ sinh ngủ ngon

Mẹo chữa trẻ giật mình khi khóc đêm

Duy trì không gian yên tĩnh, an toàn để bé ngủ sâu giấc

Đây cũng là lý do vì sao các mẹ hiện đại thường tập cho con ngủ với chiếc máy tạo tiếng ồn trắng. Nhờ những âm thanh nhẹ nhàng, du dương gần gũi như lời hát ru của mẹ và sự lặp đi lặp lại hình thành sự quen thuộc cho trẻ, trẻ càng cảm thấy an tâm và thư thái để đi vào giấc ngủ nhanh và sâu giấc hơn.

4.6 Đảm bảo vệ sinh cho trẻ trước khi đi ngủ

Trước khi cho trẻ đi ngủ, bố mẹ nên kiểm tra, thay tã mới cho trẻ. Mẹ nên chọn loại tã mềm mại, êm ái, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Tránh trường hợp nửa đêm thay tã cho trẻ, vừa khiến trẻ bị giật mình, ngủ dở mắt sinh quấy khóc vừa làm trẻ khó ngủ trở lại.

>>Xem thêm: Mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm – con khỏe mạnh mẹ nhàn tênh

Như vậy, trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt và khóc đêm là phản xạ tự nhiên hết sức bình thường nhưng bố mẹ không thể chủ quan vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hy vọng các thông tin Moaz BéBé chia sẻ thật sự hữu ích với bạn, đừng quên để lại bình luận nếu cần hỗ trợ tư vấn các kiến thức sản phẩm chăm sóc sức khỏe mẹ & bé ngay dưới bài bài viết này nhé!

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Đăng ký đại lý