SELECT MENU

Dấu hiệu mang thai giả & cách nhận biết sớm

Cao Thao - - 2

Đối với người phụ nữ, mang thai là niềm hạnh phúc lớn nhưng không phải lúc nào các dấu hiệu mang thai cũng phản ánh đúng thực tế. Có nhiều trường hợp chị em gặp hiện tượng mang thai giả, khiến cơ thể và tâm lý đều thay đổi như đang mang thai thật. Vậy dấu hiệu mang thai giả là gì? Làm sao để nhận biết sớm và phân biệt với mang thai thật? Cùng Moaz BéBé tìm hiểu chi tiết về hiện tượng mang thai giả trong bài viết dưới đây nhé!

1. Hiện tượng mang thai giả là gì?

Hiện tượng mang thai giả (hay còn gọi là giả thai) là tình trạng cơ thể xuất hiện các dấu hiệu giống như khi mang thai thật, dù trên thực tế không hề có thai. Đây là hiện tượng hiếm gặp, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là ở những người phụ nữ đang mong con quá mức hoặc gặp áp lực tâm lý về việc mong có con kéo dài.

Hiện tượng mang thai giả là gì?

Mang thai giả không phải là sự dối trá, mà là một phản ứng tâm – sinh lý phức tạp của cơ thể. Khi não bộ phát tín hiệu tin rằng bạn đang mang thai, nó có thể kích hoạt các hormone và tạo ra những thay đổi tương tự như mang thai thật.

2. Các triệu chứng mang thai giả dễ gây nhầm lẫn

Nhiều chị em thắc mắc: mang thai giả có biểu hiện gì? Dưới đây là những triệu chứng mang thai giả phổ biến Moaz BéBé đã tổng hợp:

Các triệu chứng mang thai giả

2.1 Trễ kinh hoặc mất kinh

Một trong những dấu hiệu đầu tiên và dễ gây hiểu lầm nhất của mang thai giả là trễ kinh hoặc mất kinh hoàn toàn. Điều này được giải thích là khi tâm lý người phụ nữ quá mong chờ có con, cơ thể có thể phản ứng bằng cách gây rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là hormone estrogen và progesterone. Sự rối loạn này ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt, khiến kinh nguyệt đến chậm hoặc biến mất tạm thời – hiện tượng này xảy ra giống như khi mang thai thật vì thế mà nhiều chị em tin chắc rằng mình đã có thai, đặc biệt là khi nó xuất hiện cùng các biểu hiện khác.

2.2 Buồn nôn, nôn ói và chóng mặt

Nhiều phụ nữ mang thai giả vẫn có cảm giác buồn nôn vào buổi sáng, nôn ói, choáng váng hay thậm chí mất thăng bằng nhẹ. Đây đều là các triệu chứng biểu hiện của ốm nghén. Nguyên nhân xảy các biểu hiện trên là do có tác động tâm lý mạnh mẽ khiến não bộ kích hoạt các phản ứng thần kinh giống như đang mang thai thật. Ngoài ra, các rối loạn tiêu hóa nhẹ do lo lắng cũng có thể làm gia tăng cảm giác buồn nôn, khiến chị em lầm tưởng đây là dấu hiệu rõ ràng của việc mang thai.

2.3 Ngực căng tức, nhạy cảm hơn

Trong hiện tượng mang thai giả, ngực có thể trở nên căng tức, đau nhẹ hoặc nhạy cảm hơn bình thường. Nguyên nhân là do nội tiết tố nữ trong cơ thể bị thay đổi dưới ảnh hưởng tâm lý, đặc biệt khi nồng độ prolactin tăng cao – đây là loại hormone kích thích sự phát triển tuyến sữa. Một số người thậm chí có thể thấy ngực lớn hơn hoặc có hiện tượng rỉ dịch trắng như sữa non, dù không hề có thai.

Ngực căng tức khi mang thai giả

2.4 Bụng to lên như mang thai thật

Đây là triệu chứng dễ gây ngạc nhiên và nhầm lẫn nhất. Nhiều chị em bụng phình to giống như đang mang thai, có thể cảm nhận được “thai máy” – tức là cảm thấy như có em bé đang đạp trong bụng. Nhưng thực chất, đây là hiện tượng chướng bụng do rối loạn tiêu hóa, giữ nước hoặc do tích tụ mỡ bụng.

2.5 Tăng cân rõ rệt

Việc tăng cân trong thời gian ngắn cũng là một biểu hiện thường thấy ở người bị mang thai giả. Sự thay đổi hormone kết hợp với giảm vận động (do nghĩ rằng mình đang có bầu nên cần giữ gìn cẩn thận) và thay đổi chế độ ăn uống có thể khiến cân nặng tăng lên một cách nhanh chóng. Mặt khác, tâm lý căng thẳng kéo dài cũng làm cơ thể tích nước, dễ gây ra tình trạng tăng cân và phù nhẹ – càng làm cho chị em nghĩ mình đang mang thai thật.

2.6 Đi tiểu thường xuyên

Tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là về đêm, thường xuất hiện ở cả phụ nữ mang thai thật và mang thai giả. Trong mang thai giả, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ tâm lý và hệ thần kinh, khiến bàng quang hoạt động bất thường, dẫn đến cảm giác mót tiểu liên tục. Ngoài ra, stress cũng có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu và làm tăng số lần đi tiểu – tạo cảm giác như đang trong thai kỳ thật.

2.7 Thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt hoặc xúc động

Người bị mang thai giả thường trải qua các biến đổi tâm lý khá rõ rệt, như dễ xúc động, hay khóc, cáu gắt, hoặc lo lắng thái quá. Điều này bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết tố và cả sự rối loạn cảm xúc do tâm lý quá mong chờ có con. Những thay đổi này cũng tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc giai đoạn đầu của thai kỳ, khiến việc phân biệt càng trở nên khó khăn.

2.8 Thèm ăn hoặc chán ăn bất thường

Cũng giống như khi mang thai thật, phụ nữ bị mang thai giả có thể gặp phải tình trạng thay đổi khẩu vị đột ngột. Có nhiều chị em bắt đầu thèm ăn chua, ăn mặn, hoặc chán ăn những món yêu thích trước đó. Những cảm giác này phần nhiều đến từ sự ám ảnh tâm lý hoặc tác động từ hormone, khiến não bộ ra lệnh thay đổi nhu cầu dinh dưỡng dù không thực sự cần thiết.

3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai giả

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai giả phố biến nhất:

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai giả

3.1 Do tâm lý người mẹ quá mong muốn có con

Đây là nguyên nhân phổ biến và chiếm tỷ lệ cao nhất ở các trường hợp mang thai giả. Khi khát khao làm mẹ của người phụ nữ trở nên mãnh liệt, đặc biệt ở những người hiếm muộn, từng sảy thai hoặc điều trị vô sinh lâu năm,… có thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ nội tiết. Chính sự kỳ vọng, tưởng tượng và niềm tin tuyệt đối rằng mình đã có thai sẽ khiến não bộ kích thích tuyến yên sản sinh ra một số hormone giống với khi mang thai thật (như prolactin). Từ đó, cơ thể xuất hiện các triệu chứng mang thai dù thực tế không hề có thai nhi trong tử cung.

3.2 Áp lực tâm lý kéo dài hoặc trầm cảm

Ngoài yếu tố quá mong muốn có con, căng thẳng tâm lý kéo dài cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai giả. Phụ nữ đang trải qua stress, trầm cảm, mất mát người thân, khủng hoảng hôn nhân hoặc áp lực xã hội (bị gia đình, người xung quanh thúc ép việc có con) sẽ dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng tâm – sinh lý. Lúc này, cơ thể có thể phản ứng bằng cách tạo ra các dấu hiệu mang thai như một cơ chế “bảo vệ” hoặc thoát khỏi áp lực vô hình. Đây cũng là lý do tại sao mang thai giả thường được xếp vào nhóm các rối loạn tâm thần dạng nhẹ.

3.3 Rối loạn nội tiết tố

Sự mất cân bằng hormone trong cơ thể là một yếu tố sinh học góp phần gây ra hiện tượng mang thai giả. Khi hormone estrogen, progesterone, hoặc prolactin bị rối loạn cơ thể sẽ phát sinh các biểu hiện như: ngực căng tức, mất kinh, tăng cân, thậm chí có rỉ dịch ở đầu ngực như sữa non.

nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai giả

3.4 Ảnh hưởng từ một số bệnh lý phụ khoa

Có một số bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng hoặc tuyến yên như: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm tuyến yên…cũng có thể là nguyên nhân khiến cơ thể “giả vờ” mang thai.

3.5 Tác động từ các loại thuốc hoặc điều trị hormone

Thực tế, có một số loại thuốc như: thuốc kích thích rụng trứng, thuốc nội tiết, hoặc điều trị hiếm muộn bằng hormone …. đều có thể khiến cơ thể phản ứng như đang mang thai. Bởi lẽ, những loại thuốc này có thể làm tăng nồng độ hormone trong máu, gây ra các biểu hiện như: buồn nôn, ngực căng, tăng cân hoặc mất kinh. Nếu chị em đang sử dụng các loại thuốc này mà tâm lý lại kỳ vọng có con thì nguy cơ xảy ra mang thai giả sẽ cao hơn.

4. Hiện tượng mang thai giả có lên 2 vạch không?

Một câu hỏi mà nhiều chị em quan tâm đó là: Hiện tượng mang thai giả có lên 2 vạch không? Câu trả lời là: Thường là không, nhưng trong một số trường hợp rất hiếm, có thể có vạch mờ trên que thử thai do sự tăng nhẹ của hormone hCG – dù không có thai thật.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách dùng que thử thai và đọc kết quả chính xác

Hiện tượng mang thai giả có lên 2 vạch không?

mang-thai-gia-co-len-2-vach-khong

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mang thai giả khi thử que sẽ chỉ cho 1 vạch, hoặc vạch thứ 2 rất mờ, dễ gây hiểu lầm. Do đó, nếu có nghi ngờ, chị em nên đến cơ sở y tế để siêu âm và xét nghiệm máu để biết chính xác mình có thai hay không.

5. Cần làm gì khi nghi ngờ mang thai giả?

Nếu cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu như đã kể trên, nhưng thử que không rõ ràng hoặc kết quả âm tính, tốt nhất bạn nên thực hiện các phương án sau:

  • Đến các cơ sở y tế để siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu
  • Hãy giữ cho mình tâm lý ổn định, tránh lo lắng hay kỳ vọng quá mức
  • Tham khảo bác sĩ tâm lý nếu cảm thấy stress, trầm cảm kéo dài

Đặc biệt, với những ai đang trong hành trình mong con, hãy kiên nhẫn, chăm sóc sức khỏe tốt và giữ tinh thần lạc quan. Đừng để hy vọng trở thành áp lực.

>> Xem thêm: Mẹo vặt biết có thai 1 tuần dễ thấy nhất

Dấu hiệu mang thai giả có thể khiến nhiều chị em lầm tưởng mình đã có tin vui. Việc nhận biết đúng triệu chứng mang thai giả và phân biệt với mang thai thật sẽ giúp bạn tránh những lo lắng không cần thiết. Hy vọng các thông tin Moaz BéBé chia sẻ đã giúp bạn hiểu hơn về hiện tượng mang thai giả. Từ đó có thể hiểu được cơ thể của mình hơn.

Đánh giá bài viết

Có thể bạn quan tâm

Đăng ký đại lý