SELECT MENU

Nguyên nhân mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối và cách khắc phục hiệu quả

Cao Thao - - 5

Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn quan trọng, mẹ bầu vừa háo hức đón chờ bé yêu chào đời, vừa phải đối mặt với nhiều thay đổi khó chịu về thể chất lẫn tinh thần. Một trong những vấn đề khiến nhiều mẹ khổ sở nhất chính là mất ngủ. Tình trạng mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối từ trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu đến việc thức dậy nhiều lần trong đêm đều có thể trở thành nỗi ám ảnh khiến mẹ mệt mỏi, mất năng lượng. Vậy nguyên nhân do đâu? Mẹ bầu mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi không? Và làm sao để chữa mất ngủ cho bà bầu 3 tháng cuối một cách an toàn, hiệu quả mà không cần dùng thuốc? Hãy cùng Moaz BéBé giải đáp các thắc mắc trên qua bài chia sẻ dưới đây nhé!

1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến giấc ngủ của mẹ bầu bị xáo trộn trong giai đoạn cuối thai kỳ như:

Nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối

1.1 Thai nhi phát triển nhanh chóng gây căng tức bụng

Ở 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển rất nhanh cả về kích thước lẫn trọng lượng khiến tử cung mở rộng đáng kể. Điều này đã tạo áp lực lên dạ dày, ruột, phổi và đặc biệt là bàng quang. Mẹ bầu thường xuyên cảm thấy bụng căng tức, khó chịu, khó nằm lâu ở một tư thế, và có thể gặp hiện tượng gò cứng bụng, nhất là vào ban đêm. Chính những cảm giác nặng nề và khó thở này đã làm giấc ngủ của mẹ bị gián đoạn.

1.2 Em bé đạp mạnh vào ban đêm

Một trong những lý do khiến mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối là vì thai nhi hoạt động nhiều vào buổi tối. Khi mẹ nghỉ ngơi, bé thường có xu hướng đạp, lăn, xoay người nhiều hơn khiến mẹ khó chợp mắt hoặc dễ bị thức giấc giữa chừng. Dù đây là dấu hiệu tích cực cho thấy bé khỏe mạnh, nhưng nếu mẹ không quen với các chuyển động này, việc chìm vào giấc ngủ sẽ trở nên khó khăn hơn.

1.3 Đi tiểu đêm nhiều lần

Tử cung mở rộng trong 3 tháng cuối gây chèn ép mạnh lên bàng quang, khiến mẹ bầu cảm thấy buồn tiểu thường xuyên, ngay cả khi lượng nước tiểu ít. Việc phải thức dậy 2–3 lần mỗi đêm để đi vệ sinh không chỉ khiến giấc ngủ bị gián đoạn mà còn gây khó khăn trong việc quay trở lại trạng thái ngủ sâu. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở những mẹ uống nhiều nước vào buổi tối hoặc ăn nhiều canh, trái cây mọng nước sau bữa tối.(Tham khảo)

mẹ bầu đi tiểu nhiều lần gây mất ngủ

1.4 Thay đổi hormone cơ thể

Khi mang thai, hormone progesterone và estrogen biến động mạnh mẽ. Những thay đổi nội tiết này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, làm mẹ khó đi vào giấc ngủ sâu. Ngoài ra, hormone thay đổi cũng có thể gây nóng trong người, đổ mồ hôi đêm khiến giấc ngủ của mẹ không trọn vẹn, dễ chập chờn và mệt mỏi khi thức dậy.

1.5 Đau nhức cơ thể và chuột rút

Trong 3 tháng cuối, trọng lượng thai nhi tăng nhanh gây áp lực lên cột sống, hông, chân và các khớp. Mẹ bầu thường cảm thấy đau lưng, mỏi hông, tê tay chân, đặc biệt vào ban đêm khi không vận động nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng chuột rút ban đêm cũng là nỗi ám ảnh khiến nhiều mẹ giật mình thức giấc, cảm giác đau nhói khiến giấc ngủ bị gián đoạn và khó đi vào giấc ngủ sâu như ban đầu.

1.6 Tâm lý lo lắng, hồi hộp gần ngày sinh

Càng gần ngày dự sinh, mẹ bầu càng dễ rơi vào trạng thái lo âu, hồi hộp, thậm chí căng thẳng vì lo sợ cơn đau chuyển dạ, kế hoạch sinh nở, chăm con sơ sinh hay sợ những rủi ro không mong muốn. Tâm lý này khiến não bộ không được thư giãn hoàn toàn, dẫn đến khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Thậm chí có mẹ còn gặp tình trạng ngủ nhưng hay mơ, tỉnh dậy giữa đêm và không thể ngủ lại.

1.7 Chế độ sinh hoạt không hợp lý

Một số mẹ bầu có thói quen ngủ trưa quá lâu, sử dụng điện thoại trước khi ngủ hoặc ăn quá no vào buổi tối cũng vô tình gây khó ngủ. Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử, ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, caffeine hoặc uống nước ngay trước khi ngủ cũng là nguyên nhân khiến mẹ dễ bị mất ngủ và thức giấc liên tục trong đêm.

2. Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối có ảnh hưởng gì không?

Việc mẹ bầu mất ngủ trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ khiến mẹ bầu mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần mà còn gây tác động xấu đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, đặc biệt khi tình trạng này kéo dài liên tục nhiều ngày hoặc nhiều tuần mà không được cải thiện.

>> Xem thêm: Mẹ bầu thức khuya có sao không? có ảnh hưởng đến thai nhi?

Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối có ảnh hưởng gì không?

2.1 Ảnh hưởng đối với mẹ

Khi mẹ bị thiếu ngủ, cơ thể sẽ không có đủ thời gian để phục hồi, từ đó dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức, đau đầu, mất tập trung. Nhiều mẹ còn gặp tình trạng tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch hoặc đau nhức toàn thân. Về lâu dài, mất ngủ có thể ảnh hưởng tới tâm lý mẹ bầu, khiến mẹ dễ căng thẳng, cáu gắt, buồn bã, thậm chí rơi vào trầm cảm thai kỳ –  đây là một vấn đề tâm lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời.

2.2 Ảnh hưởng đối với thai nhi

Khi mẹ ngủ không đủ giấc, lượng oxy và dưỡng chất cung cấp cho thai nhi qua nhau thai cũng bị ảnh hưởng. Điều này có thể khiến thai nhi chậm phát triển, cân nặng không đạt chuẩn, hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng mất ngủ mãn tính trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sinh mổ và kéo dài thời gian chuyển dạ ở mẹ bầu.

2.3 Gây ảnh hưởng đến việc sinh nở

Mất ngủ khiến mẹ mất sức, kém tập trung và thiếu tinh thần trong lúc chuyển dạ. Khi bước vào giai đoạn sinh nở, một cơ thể mệt mỏi vì thiếu ngủ sẽ khó đáp ứng tốt với các cơn đau, dễ rối loạn huyết áp, co bóp tử cung yếu và làm tăng nguy cơ can thiệp y tế như truyền thuốc kích sinh hoặc sinh mổ.

3. Bầu mất ngủ 3 tháng cuối có phải báo hiệu chuyển dạ?

Ở giai đoạn cuối thai kỳ, nếu mẹ đột nhiên mất ngủ nhiều hơn bình thường, kèm theo những dấu hiệu như bụng tụt xuống thấp, gò bụng mạnh và đều, đau lưng, ra dịch hồng hoặc rỉ ối, thì rất có thể là dấu hiệu chuyển dạ thật đang đến gần. Tuy nhiên, nếu mẹ chỉ bị mất ngủ đơn thuần mà không có triệu chứng khác đi kèm thì chưa hẳn là sắp sinh. Dù vậy, việc mất ngủ liên tục vẫn cần được theo dõi và xử lý sớm để mẹ có sức khỏe tốt cho cuộc “vượt cạn” sắp tới.

4. Mẹo chữa mất ngủ cho bà bầu 3 tháng cuối hiệu quả

Để cải thiện tình trạng mất ngủ, mẹ có thể áp dụng những cách an toàn và hiệu quả dưới đây:

Giải pháp giúp mẹ bầu không bị mất ngủ 3 tháng cuối

  • Đi ngủ và thức dậy đúng giờ: Duy trì nhịp sinh học ổn định giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ hơn. Hạn chế ngủ ngày quá nhiều để tránh bị tỉnh vào ban đêm.
  • Tư thế nằm phù hợp: Tư thế nằm nghiêng bên trái, kê gối ở lưng, dưới chân hoặc giữa hai đầu gối là tư thế khuyến khích cho các bà bầu vì có tác dụng làm giảm áp lực lên bụng và giúp mẹ thoải mái hơn.
  • Ăn nhẹ trước khi ngủ: Một ly sữa ấm, vài lát bánh quy hoặc chuối sẽ giúp mẹ không bị đói bụng hoặc hạ đường huyết lúc nửa đêm. Không nên ăn quá no hoặc uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
  • Tắm nước ấm và thư giãn nhẹ: Trước khi ngủ, mẹ có thể tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ, ngồi thiền hoặc massage nhẹ lưng để giảm căng thẳng và thư giãn đầu óc.
  • Tập thể dục nhẹ vào ban ngày: Đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga bầu giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau nhức và cải thiện chất lượng giấc ngủ về đêm
  • Giữ tâm lý thoải mái: Chia sẻ cùng chồng hoặc người thân, tham khảo các kênh giải trí hướng tích cực tạo năng lượng cho cuộc sống, không tự tạo áp lực cho bản thân. Tâm trạng vui vẻ, cơ thể đầy năng lượng sẽ giúp mẹ ngủ ngon hơn rất nhiều.

Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối là tình trạng khá phổ biến nhưng không nên chủ quan. Dù phần lớn là do thay đổi sinh lý, nhưng nếu mất ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé yêu trong bụng. Hy vọng các thông tin Moaz BéBé chia sẻ phía trên đã giúp bạn có thêm kiến thức hay, hữu ích để chăm sóc giấc ngủ của mình chủ động với bằng các giải pháp an toàn, lành mạnh, không lạm dụng thuốc. Hãy nhớ rằng, một giấc ngủ ngon chính là “liều thuốc quý” giúp mẹ vững vàng chuẩn bị cho hành trình vượt cạn an toàn và suôn sẻ.

>> Tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/pregnancy-insomnia

 

Đánh giá bài viết

Có thể bạn quan tâm

Đăng ký đại lý