Bảng tăng cân nặng chuẩn của mẹ bầu: Mẹ bầu tăng cân quá nhanh phải làm sao?
Khi mang thai, cân nặng của mẹ bầu thay đổi đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu không biết kiểm soát cân nặng, cơ thể lên cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp và quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn,… Vậy mẹ bầu cần làm gì để kiểm soát cân nặng hợp lý? Mẹ bầu tăng cân quá nhanh phải làm sao? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên và chia sẻ tới bạn bảng tăng cân nặng chuẩn của mẹ bầu, giúp mẹ theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để đảm bảo mẹ và bé đều khỏe mạnh.
1. Tại sao mẹ bầu cần theo dõi cân nặng khi mang thai?
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu trải qua nhiều thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé chính là cân nặng. Việc tăng cân hợp lý giúp đảm bảo thai nhi phát triển tốt, đồng thời giảm nguy cơ mắc các biến chứng như: tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân, bị suy dinh dưỡng,…

Theo dõi cân nặng khi mang thai không chỉ giúp mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý mà còn giúp bác sĩ đánh giá chính xác được sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra.
2. Bảng tăng cân nặng chuẩn của mẹ bầu theo từng giai đoạn
Mỗi thai phụ có mức tăng cân lý tưởng khác nhau tùy thuộc vào chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai. Dưới đây là bảng tăng cân nặng chuẩn của mẹ bầu do Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị:
BMI trước mang thai | Phân loại cơ thể | Tổng cân nặng tăng trong thai kỳ |
Dưới 18.5 | Gầy | 12.5 – 18 kg |
18.5 – 24.9 | Bình thường | 11.5 – 16 kg |
25 – 29.9 | Thừa cân | 7 – 11.5 kg |
Trên 30 | Béo phì | 5 – 9 kg |
Đây là các mức tăng cân lý tưởng được xác định dựa trên chỉ số BMI của mẹ trước thai kỳ, chị em có thể tham khảo để biết mình đang ở mức nào và cần tăng khoảng bao nhiêu kg trong cả thai kỳ là phù hợp.
3. Mức tăng cân của mẹ bầu theo từng giai đoạn thai kỳ
Để mẹ bầu có thể kiểm soát cân nặng của mình một cách sát sao và dễ dàng nhất, Moaz BéBé đã tổng hợp các mức tăng cân theo từng mốc thai kỳ như sau:

3.1 Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu – từ tuần 1 đến tuần 13)
Trong giai đoạn này, thai nhi còn rất nhỏ, mẹ chưa cần tăng nhiều cân, mức tăng trung bình chỉ khoảng từ 0.5 – 2kg là đủ. Trường hợp mẹ bị ốm nghén nặng có thể dẫn đến sụt cân. Điều này là hoàn toàn bình thường mẹ không cần quá lo lắng.
3.2 Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa – từ tuần 14 đến tuần 27)
Đây là thời điểm thai nhi phát triển mạnh mẽ nên cân nặng của mẹ có thể tăng khoảng 0,4 – 0,6kg trong 1 tuần. Để thai nhi phát triển tốt nhất và đảm bảo sức khỏe của mình, mẹ bầu cần bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
3.3 Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối – từ tuần 28 đến tuần 40)
Ở giai đoạn này cân nặng của mẹ có thể tăng từ 0,3kg – 0,5kg trong 1 tuần. Để đạt được mức tăng trưởng này mẹ bầu cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ thai nhi phát triển mà không làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ.
4. Nguyên nhân khiến mẹ bầu tăng cân nhanh
Khi mang thai, tăng cân là điều cần thiết nhưng tăng cân nhanh quá cũng gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu. Dưới đây Moaz BéBé đã tổng hợp một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mẹ bầu tăng cân nhanh:

- Chế độ ăn uống không kiểm soát: Đây là yếu tố hàng đầu dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh ở mẹ bầu. Mẹ bầu ăn quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột, đường và chất béo thiếu rau xanh và trái cây tươi, ăn vặt, ăn đêm nhiều,… có thể dẫn đến tăng cân nhanh chóng.
- Ít vận động: Việc không tập thể dục hoặc ít di chuyển cũng khiến cơ thể ít đốt cháy calo hơn, qua nhiều ngày lượng mỡ thừa tích tụ ngày càng nhiều. Mẹ bầu nên tập thể dục thường xuyên với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, ngồi thiền, tập Yoga,.. để lưu thông máu, giảm tình trạng tích mỡ.
- Thay đổi nội tiết tố: Lượng hormone như progesterone, estrogen trong thai kỳ tăng cao có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và tích trữ năng lượng dưới dạng mỡ.
- Uống nhiều sữa bầu: Sữa bầu có hàm lượng dinh dưỡng cao đặc biệt là đường, nếu lạm dụng uống nhiều, uống trong thời gian dài sẽ dễ gây béo phì. Bên cạnh đó, cơ thể một số mẹ bầu có xu hướng giữ nước nhiều hơn, làm tăng cân nặng nhanh nhưng không phải do tăng mỡ.
- Mang thai đôi: Nếu mẹ mang song thai hoặc đa thai, cân nặng cũng sẽ tăng nhiều hơn so với mang thai đơn.
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng: Việc bổ sung vitamin hoặc ăn quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng cũng có thể khiến mẹ tăng cân nhanh chóng.
5. Mẹ bầu tăng cân quá nhanh phải làm sao?
Việc mẹ bầu tăng cân không kiểm soát không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi mà còn làm tăng nguy cơ khiến mẹ mắc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật và rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, quá trình chuyển dạ và sinh con cũng trở nên khó khăn hơn nên việc kiểm soát cân nặng khi mang thai là rất quan trọng. Vậy, mẹ bầu tăng cân nhanh quá phải làm sao? Dưới đây là một số cách kiểm soát cân nặng khi mang thai, mẹ nên tham khảo:

5.1 Chế độ dinh dưỡng khoa học
Để có thai kỳ khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài việc lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, cân bằng năng lượng nạp vào – tiêu hao mẹ cũng cần xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học:
- Ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và dầu mỡ.
- Bổ sung đủ nước (khoảng 2 – 2.5 lít/ngày).
- Chia nhỏ bữa ăn để giảm nguy cơ ốm nghén và khó tiêu.
5.2 Luyện tập thể dục nhẹ nhàng
Kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học, việc vận động cơ thể hợp lý sẽ giúp mẹ bầu duy trì cân nặng, tăng cân ổn định, cải thiện quá trình trao đổi chất và hỗ trợ tuần hoàn máu. Mẹ có thể chọn các bài tập phù hợp với thể trạng và duy trì thực hiện đều đặn hàng ngày như: đi bộ, tập yoga, bơi lội.
5.3 Theo dõi cân nặng định kỳ
Theo dõi cân nặng định kỳ giúp mẹ bầu kiểm soát được tốc độ tăng cân, sớm phát hiện việc tăng cân quá nhanh hoặc quá chậm để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Mẹ có thể kiểm tra cân nặng mỗi tuần để đảm bảo mình tăng ở mức hợp lý.
6. Những nguy cơ khi tăng cân quá ít hoặc quá nhiều
Trong thai kỳ, mẹ bầu tăng cân quá ít hay quá nhiều đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé.

6.1 Nguy cơ khi tăng cân quá ít
Mẹ bầu tăng cân quá ít có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi như:
- Đối với thai nhi: Thai chậm phát triển do không nhận đủ các chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai. Bé dễ sinh non, nhẹ cân và gặp các vấn đề về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch,..
- Đối với mẹ: Mệt mỏi, suy nhược cơ thể do bị thiếu hụt năng lượng. Thiếu máu do thiếu sắt nên hay bị hoa mắt chóng mặt, tăng nguy cơ biến chứng khi sinh. Loãng xương, răng yếu do thiếu canxi. Đặc biệt có thể bị trầm cảm sau sinh.
6.2 Nguy cơ khi tăng cân quá nhiều
Trong thai kỳ mẹ tăng cân quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà còn gây ra các rủi ro khác cho cả mẹ và bé như:
- Làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tiền sản giật.
- Khả năng sinh mổ cao do thai nhi lớn. Việc này không chỉ gây đau đớn cho mẹ mà còn tăng nguy cơ mắc phải các biến chứng sau sinh
- Khó lấy lại vóc dáng sau sinh.
Việc theo dõi bảng tăng cân nặng chuẩn của mẹ bầu giúp mẹ kiểm soát cân nặng hiệu quả, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Mẹ bầu nên duy trì chế độ ăn uống cân đối, tập luyện phù hợp và thường xuyên kiểm tra cân nặng để đảm bảo thai nhi được phát triển tốt nhất. Hy vọng những thông tin Moaz BéBé chia sẻ phía trên đã giúp mẹ giải đáp được mọi thắc liên quan đến cân nặng của mẹ bầu. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào cần tư vấn hãy liên hệ Moaz BéBé ngay nhé!