Buồn nôn khi mang thai xuất hiện khi nào? Giải đáp từ chuyên gia
Buồn nôn là triệu chứng ốm nghén khiến cho nhiều mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu. Thậm chí có nhiều mẹ bị ảnh hưởng sức khỏe và phải nhập viện. Vì thế, gia đình thường rất chú ý việc buồn nôn khi mang thai xuất hiện khi nào, để có những biện pháp làm giảm cảm giác khó chịu từ triệu chứng này, giúp mẹ và thai nhi được khỏe mạnh.
1. Buồn nôn khi mang thai là gì?
Buồn nôn khi mang thai là triệu chứng của ốm nghén, xảy ra nhiều lần trong ngày, từ tuần thứ 4 đến thứ 6 của thai kỳ và thường sẽ thuyên giảm sau 3 tháng đầu. Tuy nhiên có không ít mẹ sẽ buồn nôn kéo dài trong suốt thai kỳ. Mặc dù vậy cũng có nhiều mẹ không hề cảm thấy buồn nôn khi mang thai.
Hiện tượng này bao gồm các triệu chứng, cảm thấy đầy hơi và khó chịu ở bụng, sau đó là buồn nôn hoặc nôn. Mẹ bầu có thể cảm thấy có vật lạ kẹt ở cổ họng, không thể ngửi được một số mùi nhất định, thường là mùi thức ăn.
Ốm nghén xảy ra rất phổ biến, ở đa phần phụ nữ mang thai. Hiện tượng này có thể không gây ảnh hưởng cho thai nhi lẫn mẹ nếu diễn ra ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, với những mức độ nặng có thể làm sức khỏe của mẹ bị suy giảm, cơ thể kiệt sức và có tác động tiêu cực với sức khỏe thai nhi.
2. Tình trạng buồn nôn khi mang thai xuất hiện khi nào?
Để có sự chuẩn bị trước, phụ nữ mang thai thường thắc mắc buồn nôn, ốm nghén xuất hiện khi nào. Thông thường, hiện tượng này sẽ bắt đầu trước tuần thứ 9 của thai kỳ, nếu sớm thì có thể ở tuần thứ 4 đã xuất hiện.
Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ giảm dần các triệu chứng buồn nôn sau khoảng 14 tuần của thai kỳ, tức là rơi vào tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên vẫn có nhiều thai phụ bị ốm nghén nặng và có triệu chứng buồn nôn trong vài tuần, hoặc vài tháng hay là kéo dài suốt thai kỳ.
3. Buồn nôn do mang thai có dấu hiệu như thế nào?
Buồn nôn mà lại không nôn được là triệu chứng ốm nghén thường thấy khi mang thai. Triệu chứng này có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng sớm hoặc khi bà bầu gặp phải những kích thích về mùi vị, do ngửi những mùi thực phẩm như thịt, cá, …
Bà bầu sẽ cảm thấy buồn nôn kéo dài, nhưng không phải lúc nào cũng nôn được. Bên cạnh đó cũng có nhiều mẹ bầu sẽ nôn và không giữ được bất cứ gì trong dạ dày. Hơn nữa cảm giác này còn kéo dài và khiến cho mẹ bầu chán ăn, khiến cơ thể bị suy nhược.
Đi kèm với triệu chứng trên còn có những biểu hiện như là:
- Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, ảnh hưởng đến công việc, không thể duy trì các hoạt động thường nhật.
- Mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn với các mùi lạ.
- Sẽ thay đổi khẩu vị, trở nên yêu thích hoặc chán ghét một món ăn nào đó đã từng ghét hoặc thích.
- Chán ăn do buồn nôn kéo dài, không muốn ngửi thấy mùi đồ ăn.
4. Mẹ bầu nôn nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Buồn nôn hoặc nôn là dấu hiệu thường thấy khi mang thai. Thậm chí có nhiều mẹ bầu còn bị nôn nghén nặng và kéo dài. Vì thế, nhiều người lo lắng rằng buồn nôn và nôn nhiều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Đáp án mà các chuyên gia y tế đưa ra là ốm nghén khi mang thai có thể không gây hại trực tiếp đến sức khỏe thai nhi và thai phụ. Nguyên nhân là vì buồn nôn là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể do những sự thay đổi về hormone, chủ yếu là hormone hCG tăng mạnh trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Nhưng nếu tình trạng nôn mửa kéo dài, diễn ra thường xuyên trong suốt thai kỳ với những triệu chứng nghiêm trọng thì có thể ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi. Cụ thể là khi nôn nhiều, cơ thể mẹ bầu bị mất nước và thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng như natri, kali và canxi, gây rối loạn cân bằng nội môi trong cơ thể. Quá trình này sẽ làm suy giảm sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi.
Nôn quá nhiều cũng khiến cho mẹ bầu chán ăn, không muốn ngửi mùi thức ăn, dẫn đến sụt giảm cân nặng và ảnh hưởng sức khỏe. Các chất dinh dưỡng cũng không được cung cấp đủ cho cơ thể, nên sẽ không bổ sung được những dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển của thai nhi. Việc này có thể ảnh hưởng đến cân nặng và chiều cao của thai nhi.
5. Một số giải pháp giúp mẹ bầu giảm triệu chứng buồn nôn hiệu quả
Vì buồn nôn không chỉ ảnh hưởng đến mẹ bầu mà còn có tác động tiêu cực đến thai nhi, nên gia đình có thể tìm một số giải pháp để giảm các triệu chứng. Ví dụ như:
5.1 Bổ sung vitamin tổng hợp
Đây là biện pháp được đánh giá dễ thực hiện và có hiệu quả cao. Mẹ sẽ nhận được những dưỡng chất cụ thể, vừa có tác dụng giảm buồn nôn, vừa đáp ứng được nhu cầu cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong đó nên bổ sung vitamin B6. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại vitamin phù hợp.
5.2 Ăn uống lành mạnh và đủ chất
Khi mẹ bầu đang có những triệu chứng buồn nôn nhẹ thì nên ăn uống lành mạnh và đủ chất, ức chế các cảm giác buồn nôn và tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Đặc biệt là mẹ bầu cần tránh để bụng đói, nhất là trong khi di chuyển, vì làm tăng dịch vị dạ dày, dẫn đến nguy cơ bị buồn nôn cao. Mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn ra thành nhiều bữa trong ngày, để dễ dàng tiêu hóa và tránh khó tiêu.
5.3 Sử dụng gừng
Dùng trà gừng hoặc cho gừng vào thức ăn sẽ giúp ức chế cảm giác buồn nôn, giúp mẹ dễ chịu hơn.
5.4 Tránh tiếp xúc với các mùi khó chịu
Mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với những mùi lạ như thực phẩm dầu mỡ, hoặc là nước hoa, khói thuốc, …. Đây là các mùi có khả năng kích thích cơn buồn nôn ở mẹ bầu. Mẹ bầu có thể ở những nơi có không gian thoáng đãng, trong lành để tránh bị khó chịu.
Đáp án của buồn nôn khi mang thai xuất hiện khi nào là trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất. Mẹ bầu tham khảo những hướng dẫn trên để có sự chuẩn bị tốt nhất, bảo vệ sức khỏe con yêu và bản thân.