Chuẩn bị trước khi mang thai: Những điều vợ chồng cần biết
Việc chuẩn bị trước khi mang thai không chỉ giúp tăng khả năng thụ thai thành công mà còn đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi được phát triển toàn diện. Do đó, thay vì có thai rồi mới lo, ngày nay nhiều cặp đôi hiện đại đã chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho việc mang thai từ sớm. Vậy vợ chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai? Điều này có cần thiết hay không?Hãy cùng Moaz BéBé tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tại sao cần chuẩn bị trước khi mang thai?
Chuẩn bị trước khi mang thai là bước khởi đầu quan trọng, giúp các cặp vợ chồng bước vào hành trình làm cha mẹ một cách chủ động và an toàn.
Dưới đây là một số lý do giúp bố mẹ hiểu tại sao nên chuẩn bị kỹ càng trước khi quyết định mang thai:
- Việc bố mẹ chuẩn bị tốt từ thể chất đến tinh thần sẽ tăng khả năng thụ thai tự nhiên, giảm nguy cơ sảy thai, sinh non và các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Nếu người mẹ có bệnh lý nền như: tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn nội tiết… thì việc phát hiện và điều trị sớm trước khi mang thai là cực kỳ cần thiết để hạn chế rủi ro trong thai kỳ.
- Không chỉ riêng người vợ, người chồng cũng cần tham gia vào việc chuẩn bị trước khi vợ mang thai, bởi chất lượng tinh trùng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sức khỏe của em bé sau này.
Đặc biệt, việc chuẩn bị sớm giúp cả hai có thời gian điều chỉnh lối sống, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi điều độ và chuẩn bị tài chính đều là nền tảng vững chắc để gia đình sẵn sàng đón con yêu trong điều kiện tốt nhất.
2. Người vợ cần chuẩn bị những gì trước khi mang thai?
Đối với người vợ, việc chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai đóng vai trò then chốt vì cơ thể người mẹ chính là môi trường nuôi dưỡng thai nhi.
Dưới đây là những điều chị em cần chuẩn bị trước khi mang thai:
2.1 Thăm khám sức khỏe sinh sản
Việc thăm khám sức khỏe sinh sản là bước đầu tiên và quan trọng nhất đối với phụ nữ khi có kế hoạch mang thai. Thông qua việc kiểm tra tổng quát, siêu âm tử cung, buồng trứng và xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai như: viêm nhiễm phụ khoa, hội chứng buồng trứng đa nang hay rối loạn nội tiết. Phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề trên sẽ giúp vợ chồng bạn tăng cơ hội thụ thai tự nhiên và đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
2.2 Bổ sung axit folic
Có thể bạn chưa biết, axit folic là một loại vitamin nhóm B rất cần thiết cho sự phát triển não bộ và tủy sống của thai nhi. Do đó, việc bổ sung axit folic ít nhất 1 tháng trước khi mang thai là rất cần thiết, điều này có thể giúp giảm tới 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh cho em bé. Ngoài viên uống, bạn có thể bổ sung qua các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như: rau lá xanh, trứng, đậu, cam và ngũ cốc nguyên hạt,… Khi bổ sung axit folic, bạn đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng đúng liều lượng phù hợp.
2.3 Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học
Nếu chị em nào đang có thói quen: hút thuốc, uống cà phê quá nhiều, thức khuya hay ăn uống thiếu khoa học,… thì đây là lúc cần thay đổi. Một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, ổn định hormone và tăng khả năng thụ thai.
Ngoài ra, tập thể dục nhẹ nhàng như: yoga, đi bộ, uống đủ nước, ngủ đúng giờ và ăn nhiều thực phẩm tươi sạch,… sẽ là nền tảng vững chắc cho hành trình làm mẹ sắp tới.
2.4 Tiêm phòng đầy đủ các mũi cần thiết
Trước khi mang thai, bạn nên tìm hiểu và tiêm các loại vắc-xin như: Rubella, Cúm, Viêm gan B, Thủy đậu… để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Bởi lẽ, một số bệnh có thể gây ra dị tật bẩm sinh hoặc nguy hiểm cho thai nhi nếu mẹ mắc phải trong thai kỳ.
Do đó, Khi có ý định mang thai, bạn hãy đi khám và kiểm tra sổ tiêm chủng để được tư vấn các loại vắc-xin cần thiết từ bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ truyền nhiễm.
2.5 Tâm lý chuẩn bị sẵn sàng
Mang thai là một hành trình dài với nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn cảm xúc. Vì vậy, chị em cần chuẩn bị một tinh thần thật thoải mái, tích cực và sẵn sàng thích nghi với những điều mới mẻ.
Hãy dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về quá trình mang thai, cùng với đó là tâm sự với người thân hoặc tham gia các hội nhóm mẹ bầu để học hỏi kinh nghiệm cũng là cách giúp bạn vững vàng hơn khi bước vào vai trò làm mẹ.
3. Người chồng cần chuẩn bị những gì trước khi mang thai?
Trước đây, khi nói đến việc sinh con, vai trò của người bố thường bị xem nhẹ. Tuy nhiên, ngày nay các bác sĩ đều nhấn mạnh rằng, người chồng cần chuẩn bị gì trước khi mang thai? cũng là vấn đề quan trọng không kém.
>> Xem thêm: Khi vợ mang bầu chồng nên làm gì và không nên làm gì?
Và dưới đây là những điều nam giới nên làm để chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình làm “bố”
3.1 Khám sức khỏe sinh sản
Việc khám sức khỏe sinh sản không chỉ dành cho phụ nữ mà còn rất quan trọng với nam giới. Việc thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ sẽ giúp đánh giá số lượng, chất lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai. Nếu sau khi xét nghiệm phát hiện các vấn đề như tinh trùng yếu, dị dạng hay lượng thấp, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp để cải thiện sức khỏe sinh sản nam giới trước khi vợ chồng có kế hoạch có con.
3.2 Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia
Thuốc lá và rượu bia là những tác nhân gây hại hàng đầu đối với tinh trùng. Chúng không chỉ làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng mà còn có thể gây đột biến gen ảnh hưởng tới thai nhi. Vì vậy, nam giới nên bỏ thuốc lá hoàn toàn và hạn chế tối đa việc uống rượu bia ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để đảm bảo sức khỏe sinh sản tốt nhất và gia tăng khả năng thụ thai tự nhiên.
3.4 Bổ sung dưỡng chất cần thiết
Một trong những cách giúp cải thiện chất lượng tinh trùng hiệu quả đó là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý . Nam giới nên bổ sung các dưỡng chất như kẽm, vitamin E, C, omega-3, selen,… Đây là những chất có nhiều trong hải sản, các loại hạt, rau xanh và trái cây. Ngoài ra, nên duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý và uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo chức năng sinh lý ổn định.
3.5 Chuẩn bị tâm lý và vai trò là người đồng hành
Trong suốt quá trình vợ chuẩn bị mang thai và mang thai, vai trò của người chồng không chỉ là hỗ trợ về mặt thể chất mà còn là chỗ dựa tinh thần lớn cho vợ. Hãy cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng vợ đi khám, tìm hiểu kiến thức về sinh sản và chăm sóc thai kỳ để tạo nên sự gắn kết và đồng hành thực sự. Một người chồng chủ động, quan tâm và chia sẻ sẽ giúp người vợ cảm thấy yên tâm và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Như vậy, chuẩn bị trước khi mang thai là việc làm cần thiết và nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, ít nhất là 1 tháng trước khi mang thai để cơ thể có thời gian điều chỉnh. Dù là vợ hay chồng, cả hai đều có vai trò quan trọng như nhau. Việc chủ động chuẩn bị gì trước khi mang thai sẽ giúp bạn có một hành trình mang thai khỏe mạnh, an toàn và chào đón con yêu trong điều kiện tốt nhất. Hy vọng bài viết của Moaz BéBé đã giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai cũng như các việc hai vợ chồng nên làm để sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ một cách chủ động và tốt nhất.
Bài viết tham khảo: Planning your pregnancy