SELECT MENU

Nhận biết các dấu hiệu động thai và cách phòng tránh hiệu quả

Cao Thao - - 3

Đối với người mẹ, mang thai chính là hành trình hạnh phúc nhưng cũng đầy lo lắng. Một trong những tình trạng khiến nhiều mẹ bầu hoang mang chính là động thai. Vậy động thai là gì, có nguy hiểm không? Dấu hiệu động thai nhận biết thế nào và cách xử lý ra sao? Lời giải đáp đã có trong bài viết của Moaz BéBé, mời mẹ bầu tham khảo.

1. Tìm hiểu động thai là gì?

Động thai (hay còn gọi là dọa sảy thai) là tình trạng thai nhi chưa bị sảy nhưng có nguy cơ bị đẩy ra khỏi tử cung. Đây là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Nếu phát hiện và xử lý kịp thời, mẹ vẫn có thể giữ thai an toàn đến khi sinh nở.

Tìm hiểu động thai là gì?

2. Động thai có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có, động thai rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Động thai chính là dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang gặp vấn đề, có nguy cơ bị sảy hoặc sinh non.

Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc tử cung không đủ chắc chắn để giữ thai, dễ dẫn đến bong tróc thai nhi ra khỏi tử cung. Nếu mẹ bầu chủ quan, không đi khám hoặc tiếp tục làm việc nặng, căng thẳng kéo dài, động thai có thể tiến triển thành sảy thai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau này. Không chỉ thai nhi bị đe dọa tới tính mạng mà mẹ bầu cũng dễ bị mất máu, nhiễm trùng tử cung, suy nhược cơ thể.

Động thai có nguy hiểm không?

Tuy nhiên, nếu mẹ phát hiện sớm các dấu hiệu động thai và tuân thủ đúng chỉ dẫn từ bác sĩ, khả năng giữ thai an toàn và ổn định là rất cao. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan khi thấy dấu hiệu bất thường, khi mang thai mẹ bầu hãy ưu tiên nghỉ ngơi, đi khám ngay để được can thiệp kịp thời.

3. Nguyên nhân phổ biến gây động thai

Động thai là tình trạng không hiếm gặp trong thai kỳ, đặc biệt ở 3 tháng đầu, và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân phổ biến gây động thai

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bầu dễ bị động thai:

3.1 Ảnh hưởng bởi nội tiết tố

Nội tiết tố, đặc biệt là hormone progesterone có vai trò quan trọng trong việc duy trì thai nhi trong tử cung. Khi lượng progesterone trong cơ thể mẹ bầu thấp, niêm mạc tử cung không đủ dày và chắc chắn, dễ dẫn đến bong tróc thai, gây ra tình trạng động thai.

3.2 Do mẹ bầu làm việc nặng, vận động mạnh

Những công việc đòi hỏi mang vác nặng, đi lại nhiều, leo cầu thang liên tục hay vận động mạnh như tập thể dục quá sức cũng đều tạo áp lực lớn lên tử cung, làm tăng nguy cơ co bóp tử cung và dẫn đến động thai.

3.3 Do mẹ bầu bị căng thẳng, stress

Tâm lý căng thẳng, stress trong thời gian dài là một trong những “kẻ thù” nguy hiểm của mẹ bầu. Khi bị stress, cơ thể mẹ tiết ra hormone cortisol gây rối loạn nội tiết tố, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển và bám chắc của thai nhi vào thành tử cung.

động thai do mẹ bầu bị tress

3.4 Do có sự bất thường trong NST ở thai nhi

Một số trường hợp, thai nhi gặp phải bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể như sự bất thường về số lượng hay cấu trúc nhiễm sắc thể,…cũng khiến cơ thể mẹ tự động đào thải thai, dẫn đến tình trạng động thai hoặc sảy thai tự nhiên.

3.5 Do mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính

Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những mẹ bầu mắc bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tuyến giáp, tim mạch hoặc viêm nhiễm phụ khoa,… không được điều trị triệt để có nguy cơ bị động thai cao hơn bình thường. Các bệnh lý này ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và môi trường nuôi dưỡng thai nhi.

3.6 Quan hệ tình dục mạnh khi thai chưa ổn định

giai đoạn đầu thai kỳ, tử cung và thai nhi còn rất “mỏng manh”. Việc quan hệ tình dục không đúng cách, quá mạnh có thể kích thích co bóp tử cung, dẫn đến động thai.

3.7 Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Chế độ ăn uống thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như: acid folic, sắt, canxi, protein… cũng làm tăng nguy cơ động thai. Đặc biệt, nếu mẹ thường xuyên ăn các loại thực phẩm gây co bóp tử cung như: đu đủ xanh, rau ngót sống, dứa, rau răm thì càng dễ gặp phải tình trạng này.

4. Các dấu hiệu động thai phổ biến mẹ bầu nên biết

Phát hiện sớm dấu hiệu động thai nhẹ sẽ giúp mẹ bầu kịp thời xử lý, hạn chế nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

Các dấu hiệu động thai

Dưới đây là những dấu hiệu điển hình nhất mẹ bầu không nên bỏ qua:

4.1 Ra máu âm đạo bất thường

Mẹ bầu bị ra máu âm đạo bất thường hoặc gặp tình trạng ra huyết nâu khi mang thai 3 tháng đầu. Đây là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất khi bị động thai. Máu có thể có màu đỏ tươi, nâu hoặc hồng nhạt, lượng ít hoặc nhiều tùy mức độ bị ảnh hưởng của mỗi người. Nhiều mẹ nhầm tưởng là máu báo thai, nhưng nếu máu ra kèm đau bụng hoặc kéo dài, đó có thể là biểu hiện của động thai nên mẹ cần đặc biệt chú ý.

4.2 Đau bụng dưới âm ỉ hoặc co thắt

Ở một số mẹ bầu có thể cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, cảm giác tương tự như đau bụng kinh. Một số trường hợp, cơn đau trở nên dữ dội, từng cơn, đi kèm cảm giác căng tức vùng hạ vị – dấu hiệu cảnh báo tử cung đang co bóp, có nguy cơ đẩy thai ra ngoài.

4.3 Đau tức nặng vùng hạ vị, đau thắt lưng

Nhiều mẹ bầu khi bị động thai cảm thấy vùng hạ vị có cảm giác nặng nề, khó chịu. Đồng thời, cơn đau có thể lan xuống thắt lưng, gây mỏi lưng kéo dài, dù không làm việc nặng.

dấu hiệu động thai căng tức vùng hạ vị

4.4 Ra dịch âm đạo bất thường

Dịch âm đạo ra nhiều hơn bình thường, loãng, có thể kèm chút máu hoặc màu nâu cũng là dấu hiệu nguy hiểm mẹ bầu cần lưu ý. Dịch có mùi hôi, màu sắc lạ càng cảnh báo nguy cơ viêm nhiễm và động thai cao.

4.5 Mẹ bầu bị choáng váng, mệt mỏi, tim đập nhanh hơn bình thường

Khi bị động thai, cơ thể mẹ có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, tim đập nhanh hơn, cảm giác buồn nôn, choáng váng. Đặc biệt nếu kèm theo mất máu, mẹ có thể cảm thấy hoa mắt, tụt huyết áp.

4.6 Thai máy yếu hoặc không cảm nhận được thai máy

Động thai có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Dấu hiệu động thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ mẹ bầu có thể gặp phải là tình trạng thai máy yếu đi hoặc mất hẳn cảm giác thai máy. Đây là dấu hiệu báo thai nhi đang gặp nguy hiểm.

Ngay khi mẹ phát hiện 1 trong các dấu hiệu trên, đặc biệt là ra máu âm đạo và đau bụng dưới, hãy đi khám ngay lập tức. Việc siêu âm và kiểm tra kịp thời sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của thai nhi và có hướng xử lý phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc.

5. Cách xử lý khi bị động thai

Khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ động thai kể trên, mẹ bầu tuyệt đối không nên chủ quan. Xử lý kịp thời đúng cách sẽ giúp mẹ bảo vệ thai nhi an toàn.

Cách xử lý khi bị động thai

Dưới đây là các bước xử lý cần thiết:

  • Nên ưu tiên cho việc nghỉ ngơi: Ngay khi phát hiện dấu hiệu động thai, mẹ nên tạm dừng các hoạt động đang thực hiện và tìm một chỗ để nghỉ ngơi. Tư thế nằm tốt nhất là nằm nghiêng sang trái, giúp tăng lưu lượng máu đến thai nhi, giảm áp lực cho tử cung. Tuyệt đối tránh đi lại nhiều, leo cầu thang hay vận động mạnh vào lúc này.
  • Luôn giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái: Căng thẳng, lo lắng chỉ khiến tình trạng chảy máu, đau bụng,…nặng thêm. Mẹ hãy cố gắng giữ tinh thần bình tĩnh, hít thở sâu, tránh suy nghĩ tiêu cực. Tâm lý ổn định sẽ giúp tử cung bớt co bóp và tăng khả năng giữ thai.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa: Hãy gọi điện hoặc đến cơ sở y tế uy tín để khám thai càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm kiểm tra tim thai, vị trí nhau thai và đánh giá mức độ động thai từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp.
  • Luôn tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ: Thông thường, khi có dấu hiệu động thai mẹ bầu sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc dưỡng thai, bổ sung hormone progesterone để hỗ trợ niêm mạc tử cung chắc khỏe hơn. Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc giảm co bóp tử cung, thuốc an thần nhẹ nếu cần thiết.
  • Hạn chế quan hệ tình dục: Trong giai đoạn bị động thai, mẹ nên kiêng quan hệ vợ chồng hoàn toàn. Sự tác động trong khi quan hệ có thể kích thích tử cung co bóp, làm tình trạng nghiêm trọng hơn.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu sắt, acid folic, canxi, omega-3 để hỗ trợ thai nhi phát triển. Nên ăn thực phẩm dễ tiêu, uống đủ nước và tuyệt đối tránh thực phẩm có nguy cơ gây co bóp tử cung như đu đủ xanh, dứa, rau ngót sống…
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ: Sau khi được điều trị, mẹ bầu cần tái khám đúng lịch để bác sĩ theo dõi tiến triển của thai nhi, kiểm tra cổ tử cung và điều chỉnh thuốc nếu cần.

6. Cách phòng tránh động thai hiệu quả

Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và hạn chế tối đa nguy cơ bị động thai, mẹ bầu cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh ngay từ đầu.

Cách phòng tránh động thai

Dưới đây là những cách hiệu quả giúp mẹ an tâm suốt 9 tháng thai kỳ:

  • Khám thai theo định kỳ: Đây là bước quan trọng giúp theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm bất kỳ bất thường nào.
  • Mẹ bầu cần giữ được tâm lý tốt nhất: Tinh thần mẹ bầu ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Do đó, mẹ cần giữ tâm lý vui vẻ, tránh lo lắng quá mức. Mẹ bầu có thể tham gia các hoạt động thư giãn như nghe nhạc nhẹ, tập yoga bầu,….
  • Hạn chế vận động mạnh, mang vác nặng: Trong suốt thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối, mẹ nên tránh mang vác đồ nặng, leo cầu thang nhiều hoặc làm các công việc nặng nhọc. Mẹ nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập các bài thể dục vừa sức.
  • Duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng: Hãy đảm bảo rằng mỗi ngày cơ thể mẹ bầu được cung cấp đầy đủ các chất như: protein, sắt, canxi, vitamin B9 (acid folic), omega-3… giúp tăng cường sức khỏe mẹ và hỗ trợ thai nhi phát triển tốt.
  • Không nên quan hệ vợ chồng khi có chỉ định từ bác sĩ: Nếu bác sĩ đã cảnh báo cổ tử cung yếu, có nguy cơ động thai hoặc mẹ từng có tiền sử sảy thai,… Mẹ nên hạn chế hoặc kiêng quan hệ tình dục trong thời gian đầu và cuối thai kỳ để tránh tác động lên tử cung.
  • Không nên tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Mẹ bầu cần tránh xa môi trường ô nhiễm, không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa mạnh hay khói thuốc lá… Những tác nhân này có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây nguy cơ cao cho thai nhi.

7. Mẹ bầu bị động thai nên kiêng gì?

Khi bị động thai, mẹ bầu cần đặc biệt cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày để tránh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mẹ bầu bị động thai nên kiêng gì

Dưới đây là những điều mẹ nên kiêng tuyệt đối để bảo vệ sức khỏe bản thân và sự an toàn của thai nhi:

  • Hạn chế đi lại, leo cầu thang nhiều lần, mang vác đồ nặng quá sức
  • Kiêng quan hệ vợ chồng
  • Kiêng các thực phẩm gây co bóp tử cung: Đu đủ xanh, dứa (thơm), rau ngót sống, rau răm, mướp đắng, đồ cay nóng, Đồ uống có chứa caffeine, cồn,…
  • Kiêng tắm nước quá nóng hoặc ngâm bồn lâu
  • Kiêng thức khuya

8. Gợi ý chế độ dinh dưỡng khi bị động thai

Khi bị động thai, bên cạnh việc nghỉ ngơi và tuân thủ chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp mẹ bầu phục hồi sức khỏe và hỗ trợ thai nhi ổn định trở lại.

chế độ dinh dưỡng khi bị động thai

Dưới đây là những nguyên tắc ăn uống mẹ nên áp dụng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu protein nhằm cung cấp năng lượng, tăng sức đề kháng và tái tạo mô. Protein có trong: thịt nạc, trứng, cá hồi, đậu hũ, sữa, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt chia…).
  • Ăn nhiều các loại rau xanh, củ quả tươi – sạch để cung cấp vitamin và khoáng chất, chất xơ cho cơ thể
  • Tăng cường Acid Folic, Sắt Và Canxi để ngăn ngừa thiếu máu, củng cố cổ tử cung, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Mẹ có thể bổ sung các thực phẩm: gan gà, lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sữa, hải sản an toàn (tôm, cua nhỏ) và uống thêm viên sắt, canxi theo hướng dẫn bác sĩ.
  • Uống nhiều nước lọc: Mẹ bầu nên uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để tăng cường tuần hoàn máu, ngăn ngừa co bóp tử cung.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ: Mỗi ngày mẹ có thể ăn từ 5 – 6 bữa, ăn các món dễ tiêu để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu,…

>> Xem thêm: 10 Dấu hiệu thai phát triển tốt 3 tháng đầu – mẹ bầu nên biết!

Hiểu rõ dấu hiệu động thai và cách xử lý, phòng ngừa sẽ giúp mẹ bầu yên tâm hơn trong thai kỳ. Hãy luôn chú ý lắng nghe cơ thể mình, thăm khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường. Moaz BéBé chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn!

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Đăng ký đại lý