Những dấu hiệu trẻ sắp biết đi ba mẹ cần lưu ý
Khi bé biết đi là một cột mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm bé chuyển sang không ngừng khám phá thế giới xung quanh. Ba mẹ nhận biết những dấu hiệu trẻ biết đi sẽ giúp hành trình khám phá này thêm ý nghĩa và an toàn hơn.
1. Những dấu hiệu trẻ sắp biết đi, biết đứng
Theo quá trình phát triển, bé sẽ có những dấu hiệu nhất định chứng tỏ rằng mình đang khám phá thêm nhiều điều mới, cơ thể của bé đang bước sang những giai đoạn mới, quan trọng và đáng chú ý. Nhận biết trước giúp ba mẹ chuẩn bị sẵn sàng để trợ giúp con, cũng như để con phát triển an toàn, khỏe mạnh.
Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé sẽ học cách biết bò, biết đứng dậy và cả bước đi. Ba mẹ có thể thông qua những dấu hiệu như sau để biết được trẻ đang dần biết đứng, biết đi.
1.1 Bé tự bám vào đồ vật và đứng lên mà không cần người khác trợ giúp
Khi được 6 hoặc 7 tháng tuổi, các bé sẽ học cách tự vịn vào đồ vật xung quanh để đứng lên. Vì thế, ba mẹ sẽ thường thấy bé bò hoặc trườn về phía những đồ đạc có kích thước lớn, sau đó với lấy nó và cố đứng dậy.
Sau này, khi đã cứng cáp hơn, bé có thể không cần bám vào đồ vật nữa mà tự chống tay và đứng lên. Những lúc như này, ba mẹ không nhất thiết phải giúp đỡ các bé, vì đây là lúc bé học tập cách đứng lên độc lập.
Bước sang tháng thứ 10, bé sẽ biết đi những bước nhỏ chập chững. Một số bé nhát gan thường bám vào đồ vật khi bước đi, còn các bé bạo dạn hơn thường không bám vào đồ vật, bất chấp việc có thể bị ngã. Do đó ba mẹ vẫn nên tạo một điểm tựa an toàn cho các bé, hoặc đảm bảo sàn tập luyện bước đi mềm mại, an toàn.
1.2 Bé ngày càng hiếu động và muốn khám phá xung quanh
Khi càng lớn dần lên, bé sẽ càng tò mò và muốn khám phá thế giới xung quanh. Bé cũng thử mình cầm nắm nhiều loại đồ vật khác nhau. Đối với những đồ đạc có kích thước lớn và nặng, bé sẽ bám vào để đứng dậy nhằm kiểm tra. Đặc biệt là những đồ vật lạ mắt có thể khiến bé bị hấp dẫn và tò mò muốn xem.
Đó là lý do bố mẹ có thể hỗ trợ bé biết đi bằng cách đặt đồ vật ở xa tầm với để bé qua lấy xem. Vì giai đoạn này bé rất nghịch ngợm và hiếu động, muốn khám phá nên có thể không ngồi yên cả ngày, dẫn đến dễ bị ngã, vấp té. Do đó ba mẹ cần chú ý quan sát để hỗ trợ.
1.3 Bé quấy khóc nhiều hơn, giấc ngủ ngắn hơn trước
Nhiều bé khi biết đi sẽ có dấu hiệu quấy khóc, ngủ ngắn hơn trước do các cơ bắp phải hoạt động nhiều hơn, nên có thể đau nhức, mệt mỏi. Vì thế ba mẹ cũng cần chú ý để bé không bị kiệt sức.
>>Xem thêm: Trẻ mấy tháng biết ngồi? Dấu hiệu và cách giúp bé tập ngồi vững
2. Trẻ mấy tháng biết đi, mấy tháng thì biết đứng
Thường thì sau hơn 1 năm đầu đời, các bé sẽ phát triển toàn diện. Trong khoảng thời gian này, bé tập bò, trườn, ngồi, biết đi, tập nói và khám phá thế giới xung quanh mình. Thời điểm bé biết đi thường là khoảng từ tháng thứ 9 trở đi, lúc mà bé biết bò rồi tự đứng lên.
Bước sang tháng thứ 10, bé sẽ đứng vững mà không cần sự trợ giúp của ngoại lực. Sau đó khoảng 1 – 2 tháng, bé sẽ chập chững bước đi hoặc cần vịn vào đồ vật khác đi bước. Và đến tháng thứ 16, bé sẽ đi vững, có thể chạy chậm và biết leo cầu thang.
3. Khi nào ba mẹ nên dạy bé tập đi, một số lưu ý khi tập đi cho bé
Như vậy, ba mẹ có thể tập cho bé biết đi từ tháng thứ 9 trở đi. Tuy nhiên trước đó cần quan sát những giai đoạn phát triển khác của bé, bao gồm bé biết lật, ngồi, bò, đứng, ….
Để dạy trẻ bước đi, ba mẹ có thể cùng phối hợp. Một người đỡ bé, người còn lại dùng vật lạ để hấp dẫn bé. Bé có thể chập chững bước tới để với lấy đồ vật. Ba mẹ chỉ cần nới rộng dần khoảng cách giữa 2 người lại để bé bước đi nhiều hơn.
Một số bé mới học đi có thể bị ngã, nên ba mẹ cũng cần chú ý để đỡ khi cần thiết, nhưng nhìn chung nên để bé tự phát huy, sẽ tăng tính độc lập. Mặc dù vậy ba mẹ cũng phải sắp xếp không gian rộng thoáng, sàn mềm mại và an toàn, cũng như dọn dẹp những chướng ngại vật xung quanh nơi bé tập luyện.
4. Một số mẹo cho bé nhanh biết đi
Khi bé có những dấu hiệu biết đi, ba mẹ có thể hỗ trợ để giúp bé đi nhanh hơn. Ví dụ như có thể đưa tay ra và chờ bé tới nắm, như vậy bé có động lực và sự can đảm để bước tới.
Ba mẹ cũng có thể khuyến khích bé bằng cách dùng một món đồ chơi. Hãy đặt nó ở vị trí xa, đủ để bé thấy nhưng không quá gần để bé không dễ dàng bắt được, mà phải tự bước tới cầm lấy.
Ba mẹ có thể tập cách giữ thăng bằng cho bé bằng những trò chơi đơn giản, hoặc thực hiện các bài tập xoa nắn tay chân để máu có thể lưu thông dễ hơn. Hãy để bé tập đi ở một không gian rộng rãi, có đồ vật phù hợp để bé bám lấy khi cần thiết và phải loại bỏ những đồ vật có thể gây thương tích cho bé. Ngoài ra, hãy bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn của bé, ví dụ như canxi và vitamin D, có tác dụng tốt với sự phát triển của xương khớp.
>>Xem thêm: Thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm: Bé ăn ngon, tăng cân đều
Trên đây là những dấu hiệu trẻ sắp biết đi mà ba mẹ cần chú ý. Khi biết bé đang học tập, luyện tập để biết đứng dậy, đi lại, ba mẹ có thể đồng hành, hỗ trợ bên cạnh, tiếp thêm sự can đảm cho con. Ngoài ra cần chú ý kỹ lưỡng để phát hiện nhanh chóng các dấu hiệu bất thường, cũng như bổ sung các dưỡng chất cần thiết với giai đoạn này. Hy vọng với những chia sẻ trên, ba mẹ sẽ có được nhiều thông tin hữu ích khi chăm sóc bé. Chúc ba mẹ thành công.