Đau lưng khi mang thai: Dấu hiệu, nguyên nhân & cách giảm đau
Theo một số nghiên cứu, có tới 50 – 80% bà bầu bị đau lưng trong quá trình mang thai. Có một số mẹ bầu đau lưng chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng cũng có người bị đau lưng dai dẳng khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy đau lưng khi mang thai nguyên nhân do đâu? Biểu hiện như thế nào? Và thường đau ở vị trí nào? Hãy cùng Moaz BéBé tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc đau lưng khi mang thai trong bài viết dưới đây nhé!
1. Nguyên nhân chính dẫn đến đau lưng khi mang thai
Có thể nói, đau lưng khi mang thai được xem là một phần của thai kỳ. Đây là dấu hiệu mang thai mà hầu như mẹ bầu nào cũng gặp phải. Thai nhi mỗi ngày một lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng cột sống cũng như vùng xương chậu của mẹ bầu. Đặc biệt, mẹ bầu thường hay bị đau ở các vị trí như vùng thắt lưng và khớp vùng chậu. Ngoài ra, đau lưng khi mang thai còn xuất phát từ các nguyên nhân sau:
1.1 Mẹ bầu tăng cân quá nhanh, không kiểm soát
Trong thai kỳ, sự phát triển của thai nhi và cân nặng của mẹ bầu ngày càng tăng sẽ gây áp lực lên cột sống và cơ lưng. Thông thường, mẹ bầu sẽ tăng từ 10 – 15 kg.
1.2 Do thay đổi tư thế
Cùng với sự phát triển của thai nhi, tử cung ngày càng to dần làm cho cột sống, thắt lưng phải cong về phía trước, trọng tâm của cơ thể cũng vì thế mà có sự thay đổi. Đây cũng là lý do vì sao các bà bầu thường ngả về phía sau để giữ thăng bằng cơ thể. Phần lưng vì thế cũng bị uốn cong và đau nhức.
Ngoài ra, trường hợp mẹ bầu thích ngồi bệt thường có xu hướng cố định gót chân xuống sàn và chống hai tay ra phía sau để giữ trọng lượng cơ thể nên lưng cũng chịu áp lực lớn.
Bên cạnh đó, thói quen chống tay xuống mặt sàn lấy đà để đứng lên cũng khiến vùng lưng bị tổn thương.
1.3 Do thay đổi hormone
Khi mang thai, cơ thể người mẹ tiết ra hormone relaxin giúp phần khung chậu giãn nở chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tại vùng khung chậu có các cơ, dây chằng vùng lưng dưới, nếu hai bộ phận này không đủ mạnh việc giãn nở sẽ gặp khó khăn dẫn đến căng cơ, căng dây chằng và gây đau lưng.
1.4 Do căng thẳng
Mẹ bầu quá căng thẳng sẽ khiến các cơ trong cơ thể không được giải phóng, thư giãn và phục hồi. Cơ thể người mẹ luôn trong tình trạng căng cứng. Nếu để tình trạng này xảy ra thường xuyên các cơ sẽ bị mệt và càng căng hơn. Đây cũng là nguyên nhân gây đau lưng khi mang thai phổ biến.
1.5 Do các cơ bụng yếu đi
Thông thường, khi mẹ nằm sấp hoặc co giãn linh hoạt khi thực hiện các hành động co – gập người lại, các cơ vùng bụng sẽ phải chịu sức ép từ cơ thể. Tuy nhiên, khi mang thai các cơ này yếu đi và bị kéo dãn quá cỡ do sự phát triển của thai nhi nên vùng cơ lưng bị chèn ép khiến các mẹ bầu cảm thấy đau vùng lưng.
1.6 Do vị trí nằm của thai nhi
Khi thai nhi đạt đến cân nặng tối đa để chuẩn bị chào đời, các cơn đau lưng càng diễn ra với tần suất nhiều hơn, mức độ đau cũng tăng lên. Nếu thai nhi nằm trong bụng, phần lưng của bé ngược lại với lưng của mẹ sẽ càng gây sức ép lên vùng xương lưng khiến mẹ càng bị đau lưng nhiều hơn.
2. Các dấu hiệu của đau lưng khi mang thai
Hầu hết, dấu hiệu đau lưng khi mang thai thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ 2 và có thể kéo dài đến tháng thứ 6 sau khi sinh. Khi mang thai, mẹ bầu có thể bị đau thắt lưng (vùng ngang lưng), đau khớp nối giữa xương cùng và xương chậu hoặc bị đau lưng về đêm.
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết mình bị đau lưng khi mang thai hay không:
- Đau nhức âm ỉ: Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thắt lưng và hông, có thể kéo dài suốt cả ngày.
- Bị đau lưng nhiều hơn khi đứng lâu hoặc vận động: Bà bầu có thể cảm thấy đau lưng nhiều hơn khi đứng hoặc đi lại trong thời gian dài.
- Cơn đau kéo xuống chân: Một số trường hợp đau lưng có thể kèm theo cảm giác tê bì hoặc đau lan xuống hai chân, ảnh hưởng đến việc di chuyển.
- Căng cứng cơ lưng: Cơ lưng có thể bị căng cứng vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau một thời gian ngồi lâu.
3. Vị trí đau lưng khi mang thai
Khi mang thai, mẹ bầu thường gặp tình trạng đau lưng ở nhiều vị trí khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và giai đoạn thai kỳ.
Phổ biến nhất là đau lưng dưới (thắt lưng), do tử cung phát triển làm thay đổi trọng tâm cơ thể và gây căng cơ, dây chằng. Nhiều mẹ bầu cũng bị đau vùng xương cụt do thai nhi chèn ép dây thần kinh tọa và hormone relaxin làm giãn dây chằng. Một số trường hợp còn gặp đau lưng trên, gần bả vai, xuất phát từ tư thế sai, căng cơ do tăng cân và sự thay đổi kích thước vòng một.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể cảm thấy đau hai bên eo, lan xuống hông do áp lực lên khớp háng và hệ cơ. Tình trạng này thường xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ hai và kéo dài đến khi sinh.
4. Cách giảm đau lưng khi mang thai đơn giản, hiệu quả
Để ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng đau lưng khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý vận động hoặc thực hiện các tư thế đứng, ngồi và di chuyển.
Dưới đây là một số cách giảm đau lưng khi mang thai, mẹ bầu nên biết:
4.1 Duy trì tư thế đúng
Hầu hết, đau lưng khi mang thai thường xuất phát từ việc thay đổi tư thế không đúng nên để giảm tình trạng đau lưng, mẹ bầu nên tập và duy trì các tư thế đúng như sau:
- Khi đi đứng: Giữ lưng thẳng, tránh gù hoặc đẩy hông về trước.
- Khi ngồi: Chọn ghế có tựa lưng, ngồi thẳng.
- Khi nằm: Nằm nghiêng bên trái, dùng gối đệm lên bụng hoặc chân.
- Khi cúi: Hạn chế cúi người hoặc không cúi quá phần thắt lưng
Cùng với đó, mẹ bầu nên cân nhắc lựa chọn loại giày dép có phần đế phù hợp với phụ nữ mang thai. Vì đi giày cao gót sẽ khiến mẹ bị mất thăng bằng khi di chuyển, dễ bị ngã về phía trước, giày thường không hỗ trợ cho tư thế đứng của mẹ tốt nhất.
4.2 Tập luyện nhẹ nhàng
Khi mang thai, đau lưng sẽ càng nặng hơn ở 3 tháng cuối thai kỳ. Vì lúc này, cân nặng thai nhi đã sắp đạt đến mức tối đa càng gây áp lực cho cột sống. Do đó, để giảm đau lưng hiệu quả, mẹ bầu có thể thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng giúp tăng cường cho phần lưng, kéo căng cơ bắp như:
- Yoga bà bầu giúp giảm đau lưng, duy trì sự dẻo dai.
- Bài tập nghiêng xương chậu lực giúp cứng các cơ bụng và lưng.
- Bơi lội nhẹ giúp giảm căng thẳng cơ bắp.
4.3 Sử dụng gối hỗ trợ
Mẹ bầu có thể cân nhắc lựa chọn cho mình một chiếc gối đệm có phần lưng uốn cong. Nằm gối đệm thoải mái, chất lượng tốt sẽ giúp giảm áp lực lên lưng, mẹ bầu cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
4.4 Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng
Ngoài các giải pháp kể trên, mẹ bầu cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày như:
- Mát-xa lưng nhẹ nhàng giúp thư giãn cơ hiệu quả
- Tăng cường canxi và magie giúp xương rắn chắc, tránh tình trạng bị loãng xương.
5. Đau lưng khi mang thai cần đi khám bác sĩ không?
Đau lưng khi mang thai mặc dù là tình trạng phổ biến nhưng nó cũng tìm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến việc sinh non hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu rất nguy hiểm.
Nếu mẹ bầu bị đau lưng kèm theo các dấu hiệu như:
- Đau lưng dữ dội, kèm theo chóng mặt, khó thở.
- Đau thắt lưng kèm theo co thắt tử cung.
- Đau kèm sốt, chân tay tê bì.
Mẹ bầu cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Đau lưng khi mang thai là tình trạng thường gặp nhưng có thể kiểm soát bằng các biện pháp đơn giản. Việc duy trì tư thế đúng, tập luyện hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đủ – đều đặn sẽ giúp bà bầu trải qua thai kỳ một cách khỏe mạnh và thoải mái. Hy vọng, bài viết của Moaz BéBé đã giúp bạn trả lời được các câu hỏi phía trên. Đừng quên theo dõi Moaz BéBé thường xuyên để cập nhật các tin tức mới nhất liên quan đến sức khỏe của mẹ và bé nhé!