Khi vợ mang bầu chồng nên làm gì và không nên làm gì?
Mang thai không phải là chuyện của một mình mẹ bầu, mà còn cần sự đồng hành, chăm sóc và quan tâm từ những thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt là vai trò của người chồng trong hành trình chào đón bé yêu ra đời. Đặc biệt là các ông bố tương lai cần phải biết, khi vợ mang bầu chồng không nên làm gì và nên làm gì?
1. Chồng nên làm gì khi vợ mang thai?
Khi mẹ và ba nhận được tin mừng sắp sửa chào đón một sinh linh mới, sẽ có nhiều điều cần chuẩn bị. Với ba, có rất nhiều việc cần phải làm trên cương vị của một người chồng, người cha:
1.1 Cùng vợ đi siêu âm và gặp bác sĩ
Các ông chồng đừng bao giờ coi thường việc đi siêu âm hay gặp bác sĩ trong thời gian vợ mang thai. Các mẹ bầu một mình bụng mang dạ chửa đến phòng khám thai sẽ rất tủi thân và lo lắng.
Nếu các ông bố có mặt thì mẹ sẽ an tâm và hạnh phúc hơn nhiều. Hơn nữa, khi tới siêu âm cùng vợ, chồng cũng có thể trực tiếp cảm nhận được sự phát triển của đứa con bé bỏng, thông qua màn hình máy siêu âm, để hình thành sự liên kết với con yêu.
1.2 Xoa bóp, massage cho vợ bầu
Vợ bầu thường xuyên bị đau nhức mỏi toàn thân, chuột rút trong suốt quá trình mang thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Để vợ vượt qua những ngày tháng mệt mỏi, nhiều gánh nặng này, các ông chồng nên thường xuyên xoa bóp, massage cho vợ, giúp vợ cảm thấy thư giãn, dễ chịu hơn.
1.3 Ngừng những thói quen xấu, gây ảnh hưởng cho mẹ và bé
Các ông chồng hãy từ bỏ những thói quen xấu mà ngày thường hay mắc. Trong đó nhất định phải cai thuốc lá, vì hút thuốc lá thụ động cũng rất hại cho sức khỏe. Mà lúc này vợ đang mang bầu, cơ thể yếu ớt, rất dễ bị ảnh hưởng, chưa kể còn gây nguy hiểm cho thai nhi.
Ngoài ra, các ông chồng cũng không nên nhậu nhẹt sau giờ làm, chơi game quên thời gian, lười làm việc nhà, …. Hãy san sẻ trách nhiệm cùng vợ, để đảm bảo môi trường sống khỏe mạnh cho cả gia đình.
1.4 Dọn dẹp nhà cửa
Các ông chồng nên dọn dẹp nhà cửa, đừng nghĩ rằng đây là công việc “độc quyền” của vợ nữa. Hãy luôn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, gọn gàng, để giúp vợ yêu của mình luôn cảm thấy không gian sống thoải mái, thư giãn, tâm trạng dễ chịu hơn, nhất là khi thai kỳ càng về cuối, cơ thể càng nặng nề.
Đặc biệt là chăm chỉ làm sạch nhà vệ sinh nhé. Bởi đây là nơi mà những bà vợ ốm nghén thường xuyên phải qua lại nhiều đấy. Với cơ thể nặng nề vì thai ngày càng lớn, nếu nhà vệ sinh trơn trượt thì thật nguy hiểm cho vợ phải không nào?
1.5 Giúp vợ xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đầy đủ chất cho cơ thể mẹ và giúp thai nhi phát triển, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng nhiều mẹ bầu có thể bị thèm ăn không kiềm chế, hoặc chán ăn, dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vậy nên, các ông chồng cần trợ giúp vợ, tìm kiếm những thực phẩm phù hợp, các loại vitamin cần thiết, để vợ bầu ăn uống đủ chất. Ngoài ra, chồng cũng nên đưa ra những lời khuyên khi cần, để động viên vợ có chế độ ăn uống hợp lý.
1.6 Dành lời khen và dỗ dành vợ
Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi nên mẹ bầu có thể bị nổi mụn trên mặt, trên bụng xuất hiện các vết rạn da do sự tăng trưởng của thai nhi. Mẹ bầu sẽ cảm thấy rất tự ti và buồn tủi. Vậy nên các ông chồng hãy dành những lời khen chân thành, động viên và an ủi vợ mình.
1.7 Tham gia các lớp học tiền sản cùng vợ
Những lớp học tiền sản cung cấp những kiến thức hay về thai kỳ, phương pháp chăm sóc con sau khi sinh, cũng như các chuyển biến tâm sinh lý của mẹ bầu. Các ông bố tương lai đến học cùng vợ yêu sẽ học được thêm nhiều kiến thức hay, vừa biết được sự vất vả của mẹ, cũng như cảm nhận được thêm niềm hạnh phúc, sự vui vẻ khi chờ đón 1 sinh linh mới ra đời.
1.8 Làm cho vợ cười
Các ông chồng hãy để vợ mình trải qua một thai kỳ hạnh phúc và nhiều niềm vui nhé. Mẹ bầu vui vẻ, con khỏe mạnh, ngăn chặn những nguy cơ trầm cảm sau sinh và giúp gia đình hạnh phúc. Ngay cả bố cũng sẽ cảm nhận được niềm vui tuyệt vời này.
1.9 Gần gũi và theo dõi sự trưởng thành của thai nhi
Mẹ bầu sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khi chồng yêu luôn quan tâm và theo dõi sự phát triển, thay đổi của thai nhi từng ngày. Các ông chồng có thể cùng tiến hành thai giáo với vợ, lắng nghe thai máy, trò chuyện với thai nhi, …. Đây cũng là những biện pháp giúp vợ bầu giảm sự lo lắng, sợ hãi.
1.10 Tránh về muộn
Ngoại trừ lý do công việc thì các ông chồng không nên về muộn trong thời gian vợ mang thai. Ngay cả khi công việc bận rộn, chồng vẫn nên báo với vợ về thời gian trở về của mình để các bà bầu đỡ phải chờ đợi trong lo lắng.
Nếu các anh chồng không báo trước, lại thường xuyên về khuya không rõ lý do, sẽ khiến vợ bầu khó ngủ, thậm chí là mất ngủ. Khi chất lượng giấc ngủ không tốt thì có thể gặp những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe như suy nhược, nhức đầu, chán ăn, … đồng thời gây nguy hại cho thai nhi, có thể là thiếu cân hoặc là nguy cơ gây dị tật bẩm sinh.
1.11 Cùng vợ sắm sửa đồ cho con yêu
Hãy cùng vợ bầu lên kế hoạch chuẩn bị những món đồ cần thiết cho bé con của các bạn nhé. Sẽ có rất nhiều món đồ cần mua từ trước khi sinh cho đến sau khi bé ra đời. Ví dụ như quần áo, đồ chơi, các máy móc chăm sóc mẹ và bé như máy tiệt trùng bình sữa, máy hâm sữa, máy đun nước pha sữa, máy hút sữa …. Hãy chuẩn bị trước để khi cần dùng tới thì ba mẹ không còn luống cuống và tối ưu được chi phí nữa.
1.12 Cùng vợ suy nghĩ tên cho bé yêu
Việc thảo luận và chọn tên cho bé yêu sẽ là một việc rất thú vị, thể hiện sự mong đợi với con sắp ra đời, cũng là cách để vợ chồng thêm gắn kết.
2. Khi vợ mang bầu chồng không nên làm gì?
Bên cạnh những việc nên làm, các ông chồng cũng cần chú ý, để tránh làm những việc sau khi vợ mang bầu, có thể hạn chế được nguy cơ gây ra những ảnh hưởng cho sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của vợ bầu và thai nhi:
2.1 Thói quen hút thuốc lá
Thuốc lá có hại cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Nếu chồng hút thuốc trong phòng, người vợ và thai nhi sẽ trở thành đối tượng hút thuốc lá thụ động.
Theo các nghiên cứu khoa học, người hút thuốc lá thụ động sẽ hít vào cơ thể lượng chất độc hại còn nhiều hơn người hút thuốc trực tiếp, ước tính từ 3 – 4 lần. Đây là những chất độc hại có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi, thai chết lưu, thai nhi nhẹ cân, sinh non…
2.2 Để vợ bầu làm việc nặng
Nếu trong lúc mang thai, nhất là trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất và thứ 3, người vợ phải làm việc nặng nhọc, nhất là bê vác thường xuyên thì sẽ gặp rất nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Chưa kể còn gặp các tổn thương tâm lý khi không được người khác quan tâm.
Đó là lý do các ông chồng không nên để mặc vợ làm việc nặng trong thời gian mang thai, nhất là những việc nhà không tên, vốn rất nhiều. Các ông chồng có thể san sẻ cùng vợ, vừa để vợ cảm thấy vui vẻ và thư giãn hơn.
2.3 Gây áp lực tâm lý cho vợ bầu
Không chỉ cơ thể người phụ nữ mang thai thay đổi, mà cả tâm lý cũng thay đổi. Nếu gặp nhiều áp lực, nhất là từ người thân, đặc biệt là từ chồng thì càng ảnh hưởng đến thai nhi và cơ thể người mẹ. Trong đó phải kể đến việc căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thành tố hóa học và dinh dưỡng truyền vào thai nhi, hoặc gây thiếu oxy máu cho thai nhi. Đó là lý do, người chồng không nên làm cho vợ bầu gặp các áp lực tâm lý.
2.4 Kiêng quan hệ 3 tháng đầu và 3 tháng cuối
Ba tháng đầu mang thai là giai đoạn nhạy cảm, có nguy cơ sảy thai cao khi tử cung co thắt hoặc gặp tác động lên vùng bụng dưới. Tử cung gặp áp lực sẽ có nguy cơ bong nhau thai. Còn những tháng cuối thai kỳ, thai nhi đã phát triển lớn và khá chật chội trong tử cung người mẹ.
Nên trong 2 giai đoạn quan trọng này, các anh chồng nên hạn chế, hoặc tốt nhất là kiêng quan hệ với vợ. Đồng thời nên lắng nghe các lời khuyên từ bác sĩ sản khoa để tránh những trường hợp có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, vỡ ối non, sinh non, ví dụ như khi vợ bầu thấy mệt mỏi, đau vùng chậu, hoặc không thoải mái khi quan hệ vợ chồng.
2.5 Không chê bai, phê phán vợ
Tình trạng tâm lý của người phụ nữ mang thai thường bấp bênh, nhất là dễ bị tự ti về ngoại hình, nhạy cảm với mọi vấn đề xung quanh. Đó là lý do chồng không nên chê bai người vợ, làm ảnh hưởng tâm trạng vợ, dẫn tới nguy hại cho cả thai nhi.
2.6 Đừng nói những câu như việc vợ đang trải qua là bình thường
Có lẽ đây là một trong những câu nói tưởng chừng đơn giản, thông thường, nhưng lại gây ảnh hưởng cực kỳ cao. Người chồng nên nhớ rằng, không phải ai cũng như nhau, nên những gì mỗi người phụ nữ mang thai đang trải qua là không hề giống nhau. Họ đang phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, mệt mỏi từ thể xác đến tâm lý, để đưa đứa con chung của 2 người ra đời.
Do đó, hãy động viên vợ bạn, hoặc ít nhất đừng buông những lời vô tâm, khiến cho người vợ bị tổn thương. Ngoài ra, cũng nên bảo vệ vợ khỏi những câu nói vô tâm như vậy.
2.7 Đừng trút giận lên vợ
Nếu bạn đang gặp các khó khăn trong giai đoạn này, có thể chia sẻ với vợ, để gia đình cùng nhau vượt qua. Nhưng đừng bao giờ trút giận lên vợ, vì sẽ làm cho tất cả mọi người càng trở nên tiêu cực. Chồng không vượt qua khó khăn, vợ càng thêm áp lực, gây ảnh hưởng thai nhi.
Khi vợ mang bầu chồng không nên làm gì có rất nhiều. Do đó, các ông bố tương lai hãy cùng tham khảo để rút kinh nghiệm nhé!