Mang thai 3 tháng đầu ăn lá lốt được không? Lợi ích và tác hại mẹ bầu cần biết
Mang thai là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ, đặc biệt là 3 tháng đầu, khi thai nhi còn non nớt và dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng. Một trong những thắc mắc phổ biến được nhiều mẹ bầu quan tâm là: “Mang thai 3 tháng đầu ăn lá lốt được không?” Bài viết dưới đây của Moaz BéBé sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về lợi ích và tác hại của lá lốt đối với sức khỏe thai kỳ, mời mẹ cùng tham khảo.
1. Lá lốt và giá trị dinh dưỡng
Lá lốt (có tên tiếng anh là Piper lolot) là một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Nó có vị cay, tính ấm và chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như:
- Vitamin C: Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.
- Canxi: Cần thiết cho sự phát triển của xương thai nhi.
- Chất chống oxy hóa: Giúp giảm viêm, tăng cường sức đề kháng.
- Tinh dầu tự nhiên: Có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau.
Theo đông y, lá lốt có tác dụng trong việc giải cảm, chữa đau bụng, đầy hơi, khó tiêu và một số bệnh liên quan đến dạ dày. Theo y học hiện đại, lá lốt có khả năng làm giảm tình trạng đau nhức, giảm táo bón và tốt cho làn da. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng lá lốt thường xuyên, đặc biệt là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Để hiểu lý do tại sao, mời bạn tìm hiểu về lợi ích và tác hại của lá lốt đối với sức khỏe mẹ bầu được chia sẻ phía dưới.
2. Lợi ích của lá lốt đối với mẹ bầu
Lá lốt là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe, nếu sử dụng đúng cách và với lượng vừa phải, lá lốt có thể mang lại một số lợi ích cho mẹ bầu như:
2.1 Hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi và khó tiêu
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng do sự thay đổi nội tiết tố. Để cái thiện tình trạng này, mẹ bầu có thể sử dụng lá lốt trong các bữa ăn nhưng ăn với tần suất và lượng vừa đủ. Bởi lẽ, lá lốt có chứa tinh dầu tự nhiên giúp kích thích hệ tiêu hóa, giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu và giúp ăn uống ngon miệng hơn.
2.2 Tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm
Trong lá lốt có chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus. Tác dụng kháng khuẩn, chống viêm của lá lốt cũng có thể giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường như cảm cúm, viêm họng.
2.3 Giảm đau nhức xương khớp
Khi mang thai, do áp lực của thai nhi lên xương chậu và cột sống, nhiều mẹ bầu cảm thấy đau nhức xương khớp. Mẹ bầu có thể sử dụng lá lốt để giảm đau, chống viêm tự nhiên. Lá lốt có tác dụng giúp cải thiện tình trạng đau mỏi xương khớp, đặc biệt là ở lưng và chân.
2.4 Hỗ trợ ổn định đường huyết
Đã có một số nghiên cứu cho thấy rằng, lá lốt có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Điều này rất có lợi cho những mẹ bầu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
2.5 Giúp giảm căng thẳng, an thần
Lá lốt được nhiều người yêu thích và thường chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để kích thích vị giác. Bởi lá lốt có mùi thơm nhẹ, giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho mẹ bầu.
2.6 Giúp làn da mẹ bầu sáng khỏe
3 tháng đầu thai kỳ, lượng hormone Estrogen tăng lên đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến nhiều mẹ bầu bị nổi mụn, thâm nám và sạm da. Với thành phần flavonoid cao, lá lốt giúp ngăn ngừa hiệu quả các loại vi khuẩn xâm nhập gây mụn. Cùng với đó, lượng vitamin dồi dào cũng giúp làn da tươi sáng, kháng viêm hiệu quả. Nhờ thế, làn da của mẹ bầu ở 3 tháng đầu thai kì cũng được cải thiện rõ rệt.
3. Tác hại của lá lốt đối với mẹ bầu
Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng nếu sử dụng không đúng cách, lá lốt có thể gây ra một số tác hại cho sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi:
3.1 Gây nóng trong, táo bón
Theo đông y, lá lốt có tính ấm, nếu ăn quá nhiều có thể khiến mẹ bầu bị nóng trong người, gây ra các triệu chứng như nổi mụn, táo bón, khô miệng. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những mẹ bầu vốn có cơ địa nóng hoặc dễ bị táo bón trong thai kỳ.
3.2 Nguy cơ co bóp tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi
Đã có một số tài liệu y học dân gian cho rằng ăn quá nhiều thực phẩm có tính nóng như lá lốt có thể kích thích tử cung co bóp, làm tăng nguy cơ động thai, sảy thai. Do đó, mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi thai nhi còn yếu và chưa bám chắc vào thành tử cung, mẹ bầu nên hạn chế ăn lá lốt.
3.3 Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nếu sử dụng sai cách
Trong đời sống, lá lốt được chế biến thành nhiều món khác nhau vừa hấp dẫn vừa ngon miệng nhưng mẹ bầu cũng nên thận trọng. Hãy chế biến lá lốt đúng cách đảm bảo nguyên tắc “ăn chín – uống sôi” để không làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, gây đau bụng, tiêu chảy.
3.4 Không phù hợp với mẹ bầu có bệnh lý nền
Nếu mẹ bầu có vấn đề về dạ dày như: viêm loét dạ dày, trào ngược axit dạ dày thì không nên ăn lá lốt. Vì lá lốt có tác dụng làm tăng tiết axit sẽ khiến tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn. Nếu mẹ bầu bị huyết áp cao, ăn lá lốt sẽ làm tăng huyết áp. Điều này không tốt cho những mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp hoặc tiền sản giật.
4. Mang thai 3 tháng đầu có nên ăn lá lốt không?
Theo các phân tích trên, mang thai 3 tháng đầu mẹ bầu có thể ăn lá lốt. Vì trong lá lốt có chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu, ước tính trong 100g lá lốt có chứa: 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 4,1mg sắt, 98mg magie, 598 mg kali, 34mg vitamin C,…. Nhưng để đảm bảo sức khỏe và thai nhi phát triển tốt nhất, mẹ bầu cần nắm được các lưu ý sau:
- Chỉ nên ăn với lượng vừa phải, khoảng 1 – 2 lần trong 1 tuần. Không nên ăn hàng ngày.
- Tuyệt đối không nên ăn lá lốt sống, chỉ nên dùng trong món ăn đã nấu chín.
- Nếu có tiền sử động thai, sảy thai hoặc thai yếu mẹ bầu tuyệt đối không được sử dụng
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm.
- Nên kết hợp với thực phẩm khác: Không nên ăn riêng lá lốt mà nên chế biến chung với thịt, cá để cân bằng dinh dưỡng.
5. Cách chế biến lá lốt an toàn cho mẹ bầu
Nếu muốn sử dụng lá lốt trong bữa ăn, mẹ bầu có thể tham khảo một số món ăn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe bà bầu sau:
- Chả lá lốt thịt băm: Hấp hoặc rán ít dầu để tránh gây nóng.
- Canh lá lốt nấu thịt băm: Giúp dễ tiêu hóa và bổ sung dinh dưỡng.
- Lá lốt xào nấm: Món ăn thanh đạm, tốt cho sức khỏe mẹ bầu.
Lưu ý: Tránh dùng lá lốt để ngâm rượu hoặc chế biến cùng các món cay nóng, dễ làm tăng nguy cơ nóng trong, không tốt cho sức khỏe mẹ bầu.
6. Bài thuốc dân gian với lá lốt dành cho mẹ bầu
Lá lốt ngoài chế biến thành các món ăn, dân gian còn truyền tai nhau cách sử dụng lá lốt để giảm nhiệt miệng, giảm phù nề cho mẹ bầu.
Cách thực hiện như sau:
- Giảm nhiệt miệng: Rửa sạch khoảng 20 lá lốt và cho vào máy xay sinh tố say cùng một chút muối sạch và 100ml nước ấm. Lọc qua rây hỗn hợp trên và dùng nước cốt đó ngậm một ngày khoảng 3 – 4 lần.
- Giảm chứng phù nề: Rửa sạch khoảng 10 lá lốt và đem đun sôi với 1l nước sạch. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa và đun sôi thêm 3 phút nữa. Đổ ra thau, pha loãng với nước lạnh để được nước ấm và ngâm chân hàng ngày.
Lá lốt là một loại thực phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe mẹ bầu, giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau nhức, tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách hoặc ăn quá nhiều, lá lốt có thể gây nóng trong, táo bón, co bóp tử cung – đặc biệt nguy hiểm trong 3 tháng đầu thai kỳ.
>> Xem thêm: Bầu ăn rau muống được không? Những lợi ích và lưu ý cho mẹ bầu
Vậy mang thai 3 tháng đầu ăn lá lốt được không? – Câu trả lời là có thể nhưng cần hạn chế và sử dụng đúng cách. Nếu mẹ bầu còn băn khoăn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Hy vọng bài viết của Moaz BéBé đã giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về lợi ích và tác hại của lá lốt để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh!