SELECT MENU

Nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu có đáng lo không?

Cao Thao - - 1

Trong quá trình mang thai, nhiều mẹ bầu bị đau nhói bụng dưới, đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ. Vậy, tình trạng này có nguy hiểm không? Tại sao mẹ bị tình trạng này? Cách giảm đau an toàn, hiệu quả là gì? Hãy cùng Moaz BéBé tham khảo bài viết dưới đây để biết nguyên nhân, cách khắc phục tình trạng nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu chính xác, chi tiết nhất nhé!

1. Nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?

Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, nhiều mẹ bầu có thể gặp hiện tượng nhói bụng dưới và thường cảm thấy lo lắng không biết có nguy hiểm hay không. Thực tế, trong phần lớn trường hợp, tình trạng này là hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại. Nguyên nhân có thể đến từ việc thai đang làm tổ trong thành tử cung, tử cung bắt đầu giãn nở để thích nghi với sự phát triển của thai nhi hoặc do các vấn đề nhẹ liên quan đến hệ tiêu hóa như đầy bụng, táo bón, rối loạn tiêu hóa.

>> Xem thêm: Bụng cồn cào khi mang thai 3 tháng đầu có sao không? Giải đáp một số vấn đề khi mang thai

Nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?

Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan nếu cơn đau bụng dưới trở nên dữ dội, kéo dài kèm theo dấu hiệu bất thường như chảy máu âm đạo, đau vai gáy hoặc chóng mặt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những biến chứng nguy hiểm như dọa sảy thai, sảy thai thực sự hoặc thai ngoài tử cung – những tình huống cần được can thiệp y tế kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Do đó, khi xuất hiện cơn đau bất thường, mẹ nên nghỉ ngơi, theo dõi kỹ các dấu hiệu đi kèm và đi khám ngay để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn chính xác. Việc thăm khám sớm không chỉ giúp mẹ yên tâm mà còn kịp thời phát hiện và xử lý những rủi ro tiềm ẩn trong thai kỳ.

2. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu

Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ vô cùng quan trọng với mẹ bầu và thai nhi. Nhiều mẹ thường gặp phải tình trạng nhói bụng dưới ngay từ tháng đầu tiên khi mang thai, có thể là đau âm ỉ, có lúc đau nhói thoáng qua nhưng cũng có lúc đau quằn quại từng cơn,…  Điều này khiến nhiều mẹ bầu lo lắng vì không biết có ảnh hưởng đến thai nhi hay không.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu

Trên thực tế, trong hầu hết trường hợp nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu mức độ nhẹ là dấu hiệu bình thường do:

  • Thai đang làm tổ dần ổn định vị trí: Khi trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung, mẹ sẽ cảm thấy đau nhói nhẹ.
  • Tử cung giãn nở: Thai phát triển khiến tử cung mở rộng, gây cảm giác căng tức, nhói bụng dưới.
  • Rối loạn tiêu hóa: Ốm nghén, thay đổi nội tiết tố có thể khiến mẹ bị đầy hơi, táo bón, gây khó chịu vùng bụng dưới.
  • Thay đổi nội tiết tố: Hormone thai kỳ như progesterone tăng cao ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và cơ trơn tử cung, dễ gây cảm giác khó chịu, nhói nhẹ vùng bụng.
  • Căng dây chằng: Khi tử cung mở rộng, các dây chằng nâng đỡ cũng bị kéo giãn, dẫn đến những cơn đau nhói ngắn ở bụng dưới, đặc biệt khi mẹ thay đổi tư thế đột ngột.
  • Tập luyện hoặc vận động quá sức: Nếu mẹ bầu mang vác vật nặng, vận động mạnh hoặc đứng quá lâu cũng có thể gây đau vùng bụng dưới do cơ và dây chằng bị căng thẳng.

Tuy nhiên, nếu mẹ gặp tình trạng bầu 8 tuần bị đau nhói bụng dưới kèm theo dấu hiệu bất thường như: chảy máu âm đạo, đau dữ dội không giảm, choáng váng… thì cần đi khám bác sỹ ngay lập tức vì đây đều là các trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến nguy cơ dọa sảy thai, mang thai ngoài tử cung.

3. Phân biệt các kiểu đau bụng khi mang thai mẹ bầu thường gặp

Để hiểu rõ về việc đau bụng khi mang thai, Moaz BéBé xin chia sẻ cách phân biệt một số kiểu đau bụng mẹ bầu thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ. Từ đó, sẽ giúp mẹ dễ dàng nhận biết tình trạng mình gặp phải là bình thường hay nguy hiểm:

các kiểu đau bụng khi mang thai

 

Kiểu đau bụng Đặc điểm nhận biết Mức độ ảnh hưởng
Đau nhói bụng dưới nhẹ Các cơn đau thường thoáng qua, không kéo dài Thường là bình thường
Đau quặn từng cơn và ra máu Kèm chảy máu âm đạo Cảnh báo tình trạng nguy hiểm, cần đi khám bác sĩ
Đau âm ỉ bụng dưới Kéo dài, không dữ dội Có thể do giãn dây chằng, không quá lo lắng
Đau bụng kèm tiêu chảy, sốt Đau kèm triệu chứng tiêu hóa Nên theo dõi, đi khám nếu không giảm

4. Cách giảm đau bụng khi mang thai tháng đầu an toàn, hiệu quả

Trong 3 tháng đầu, nếu mẹ bầu gặp tình trạng đau nhói bụng dưới nhưng không kèm dấu hiệu nguy hiểm, hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp sau để giảm đau an toàn, hiệu quả mà không ảnh hưởng đến thai nhi:

Cách giảm đau bụng khi mang thai tháng đầu

4.1 Nghỉ ngơi, thư giãn đúng cách

Mang thai tháng đầu là lúc cơ thể mẹ đang thích nghi với nhiều thay đổi, hormone thay đổi, tử cung mở rộng khiến bụng dưới căng tức. Nếu vận động quá nhiều, tinh thần căng thẳng, cơn đau bụng dưới sẽ dễ xuất hiện.

Mẹ bầu có thể thực hiện việc nghỉ ngơi, thư giãn như sau:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc nặng hay đi lại quá sức.
  • Khi nằm, mẹ nên nằm nghiêng bên trái, kê gối dưới bụng và giữa hai chân để giảm áp lực lên tử cung.
  • Tạo không gian ngủ yên tĩnh, thoáng mát, dễ chịu để dễ ngủ sâu giấc.

4.2 Chườm ấm nhẹ vùng bụng dưới

Nhiệt độ ấm sẽ giúp các cơ bụng và dây chằng quanh tử cung thư giãn, giảm co thắt và có tác dụng hiệu quả trong việc giảm cảm giác đau nhói bụng dưới.

Cách thực hiện như sau: Dùng túi chườm ấm hoặc khăn mềm thấm nước ấm (~40 độ C), chườm nhẹ lên bụng dưới trong 5-10 phút. Lưu ý không chườm nước quá nóng và không để nhiệt quá lâu vì có thể gây kích thích tử cung. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể kết hợp với massage nhẹ nhàng để tăng hiệu quả.

4.3 Ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa

Trong tháng đầu, mẹ dễ bị táo bón, đầy hơi do hormone thay đổi, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau bụng dưới.

Cách giảm đau bụng khi mang thai tháng đầu

Để cải thiện tình trạng này mẹ bầu nên:

  • Tăng cường ăn rau xanh, trái cây giàu chất xơ như chuối, bơ, táo, cam, rau cải, khoai lang…
  • Uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày (4-5 bữa), ăn vừa phải, tránh ăn quá no.
  • Hạn chế thức ăn chiên xào, cay nóng, dầu mỡ và đồ uống có gas.

4.4 Vận động nhẹ nhàng, tập thể dục cho mẹ bầu

Tập luyện các bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng giúp lưu thông máu, giảm căng thẳng dây chằng và hạn chế tình trạng đau bụng dưới do giãn tử cung. Mẹ bầu có thể tạo thói quen đi bộ mỗi ngày, đi chậm rãi khoảng 15 – 30 phút hoặc tham gia các lớp yoga bầu hoặc tự tập các bài yoga tại nhà với các động tác đơn giản.

4.5 Thực hiện massage nhẹ nhàng vùng lưng và bụng dưới

Massage vùng lưng và bụng dưới giúp mẹ thư giãn, tăng tuần hoàn máu, giảm co thắt cơ và cảm giác đau nhức. Mẹ có thể dùng các loại dầu tự nhiên, lành tính như: dầu dừa, dầu oliu hoặc dầu massage dành riêng cho bà bầu để massage. Khi massage cần thực hiện nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ quanh vùng bụng dưới hoặc lưng dưới. Không nên thực hiện các động tác nhấn mạnh vào bụng hoặc thực hiện khi bụng đang co thắt mạnh.

4.6 Luôn giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, stress kéo dài

Stress, lo lắng quá mức là hai nguyên nhân làm tăng hormone cortisol, dễ gây co bóp tử cung và làm trầm trọng thêm cơn đau bụng. Do đó, mẹ bầu cần giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn bằng cách dành thời gian cho các hoạt động yêu thích: nghe nhạc nhẹ, đọc sách, thiền, vẽ tranh…, hạn chế tiếp xúc với thông tin tiêu cực, trò chuyện với chồng, gia đình để được chia sẻ, giảm bớt áp lực cho chính mình.

4.7 Thăm khám định kỳ & theo dõi cơ thể

Mặc dù đau bụng dưới nhẹ thường không nguy hiểm, nhưng mẹ cần khám thai đúng lịch và lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện các bất thường có thể xảy ra.

>> Xem thêm: Cách giữ thai trong 3 tháng đầu thai kỳ: Mẹ khỏe mạnh, con phát triển tốt

Cách giảm đau bụng khi mang thai tháng đầu

Lưu ý: Nếu mẹ bị đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo, kèm sốt, chóng mặt… thì phải đến ngay bệnh viện. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

5. Câu hỏi thường gặp về nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu

Bầu 8 tuần bị đau nhói bụng dưới có phải dấu hiệu sảy thai không?

Bầu 8 tuần bị đau nhói bụng dưới nhẹ, thoáng qua thường không đáng lo. Nhưng nếu mẹ bầu đau quặn từng cơn, kèm máu tươi chảy nhiều, đầu choáng váng… thì có thể là dấu hiệu dọa sảy thai, cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Bà bầu bị đau nhói bụng dưới bên trái 3 tháng đầu

Nếu cơn đau bụng dưới bên trái nhẹ và thoáng qua, không kèm triệu chứng bất thường thì thường không đáng lo. Tuy nhiên, nếu đau kéo dài, dữ dội, kèm theo chảy máu âm đạo, sốt hoặc chóng mặt… mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Tình trạng nhói bụng dưới khi mang thai 3 tháng đầu là hiện tượng thường gặp và phần lớn không nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ bầu cần chú ý theo dõi thêm các dấu hiệu khác để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Hy vọng, qua các thông tin Moaz BéBé chia sẻ đã giúp mẹ đã hiểu rõ hơn nguyên nhân, cách phân biệt các kiểu đau bụng khi mang thai, cũng như bỏ túi cho mình những cách giảm đau bụng khi mang thai tháng đầu hiệu quả. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!

Đánh giá bài viết

Có thể bạn quan tâm

Đăng ký đại lý