Phương pháp ăn dặm BLW là gì? Thực đơn ăn dặm BLW cho bé chuẩn khoa học
Bé biếng ăn, lười ăn, không thích thú với các món ăn mẹ nấu,… khiến mẹ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và áp lực. Với trường hợp này, có lẽ bé không phù hợp với phương pháp ăn dặm hiện tại, mẹ có thể đổi cho con sang phương pháp ăn dặm BLW (tự chỉ huy). Vậy, ăn dặm tự chỉ huy là gì? Tại sao nên áp dụng phương pháp này? Hãy cùng Moaz BéBé tìm hiểu khái niệm và cách thực hiện trong bài viết dưới đây nhé!
1. Ăn dặm BLW (tự chỉ huy) là gì?
Ăn dặm BLW hay ăn dặm tự chỉ huy – từ viết tắt của Baby Led Weaning được hiểu đơn giản là mẹ cho bé tự chọn loại thức ăn, cách ăn, ăn bao nhiêu, tốc độ ăn như nào,… tùy theo ý muốn.
Khác với ăn dặm truyền thống, mẹ phải vất vả xay/nghiền thức ăn, kiên nhẫn ngồi bón cho con từng thìa nhưng với ăn dặm BLW, mẹ không chỉ chế biến món ăn cho bé dễ dàng mà bé còn có thể chủ động trong việc ăn uống như tự xúc, tự cầm nắm thức ăn và lựa chọn các loại thực phẩm có hình dáng, màu sắc mình thích,… Bé được tự ăn, tự khám phá và thưởng thức món ăn nên tỏ ra rất hợp tác và vô cùng thích thú. Vì thế, mỗi bữa ăn của bé sẽ không còn là một “cuộc chiến” đối với mẹ.
2. Tạo sao nên áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy?
Theo Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ, phương pháp ăn dặm BLW sẽ giúp bé phát triển kỹ năng vận động và có mối quan hệ tích cực với thực phẩm từ sớm. Bé có thể chủ động trong việc ăn uống, tự quyết định mình ăn gì và ăn bao nhiêu,… Từ đó, hình thành cho bé thói quen tự lập từ nhỏ, giúp bé phát triển vị giác, cũng như các kỹ năng như cầm nắm, nhai.
Cũng theo một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí “Journal of Human Nutrition and Dietetics”, phương pháp ăn dặm BLW giúp bé có khả năng tự điều chỉnh lượng ăn theo mức độ đói, hạn chế việc bố mẹ ép trẻ ăn nên giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Ngoài ra, áp dụng theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy còn mang lại nhiều lợi ích:
- Giúp bé tăng hứng thú với món ăn: Được thưởng thức các loại thức ăn với nhiều màu sắc, hình dạng, hương vị khác nhau có thể khiến bé phát triển sở thích ăn uống đa dạng, sau này bé sẽ ít bị dị ứng thực phẩm
- Phát triển kỹ năng vận động cho bé: Thức ăn được đưa vào miệng bằng ngón tay sẽ giúp bé trở nên khéo léo hơn và có sự phối hợp linh hoạt giữa các bộ phận mắt, tay, miệng.
- Giúp mẹ tiết kiệm thời gian chuẩn bị món ăn: Với các món ăn hàng ngày, mẹ có thể biến tấu một chút trong cách chế biến như cắt hình dáng bắt mắt hơn đẹp hơn, nấu mềm hơn,… Như vậy, bé có thể tham gia bữa ăn cùng mọi người trong gia đình mà mẹ không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị.
3. Thời điểm nên cho bé ăn dặm tự chỉ huy?
Theo lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng, thời gian thích hợp nhất để bé tập làm quen với cách ăn dặm tự chỉ huy là từ 6 tháng tuổi và bắt đầu với các loại thức ăn được chế biến ở dạng đặc sệt. Bởi lẽ, ở giai đoạn này, bé đã có thể tự ngồi và cầm nắm được thức ăn, đồ vật,…Đặc biệt, hệ tiêu hóa của bé đã dần hoàn thiện và không còn phản xạ nhè thức ăn.
Tuy nhiên, để yên tâm và có thể biết bé đã sẵn sàng ăn dặm hay chưa, mẹ nên quan sát thái độ cũng như các hoạt động thường ngày của bé để đưa ra lựa chọn ăn dặm phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng.
4. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy thực hiện như thế nào?
BLW là phương pháp ăn dặm hiện đang được rất nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng cho con. Đặc điểm nổi bật cũng là “tinh thần” chính của phương pháp ăn dặm này là:
- Ăn cùng bé, cùng lúc, cùng bàn
- Bé tự ăn và ăn thô y như người lớn ngay từ khi mới bắt đầu ăn dặm
- Không thìa, không bát và không bón
Mẹ cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy thường không chú trọng vào việc bé ăn được nhiều hay ít mà tập trung vào việc dạy bé cầm nắm và tập nhai.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp ăn dặm này, hãy cùng Moaz BéBé tham khảo cách thực hiện ngay dưới đây nhé!
Bước 1: Cho bé ngồi ăn cùng bàn ăn với cả nhà trong bữa ăn
Khi cho bé ăn theo phương pháp BLW mẹ nên cho bé đeo yếm kích thước lớn hơn so với bình thường và trải tấm lót ở dưới chỗ bé ngồi để việc dọn dẹp sau bữa ăn của bé đơn giản, dễ dàng hơn.
Bước 2: Chuẩn bị thức ăn cho bé và đặt lên bàn
Thức ăn của bé nên được chế biến mềm ở dạng que hoặc miếng vuông để bé dễ cầm nắm. Đồng thời, với hình dạng này khi đưa lên miệng bé có thể thuận tiện ăn từ trên xuống dưới
Bước 3: Cho bé tự cầm nắm thức ăn bằng ngón tay và tự ăn
Với phương pháp này, bố mẹ không nên quá chú trọng đến việc dùng chén dĩa. Thay vào đó có thể sử dụng khay trên ghế ăn dặm, tránh trường hợp bé ném đồ ăn, chén dĩa xuống sàn.
5. Một số lưu ý khi thực hiện phương pháp ăn dặm BLW (tự chỉ huy)
5.1 Bố mẹ không ép trẻ ăn
Dù cho bé ăn dặm theo phương pháp nào thì nguồn dinh dưỡng từ sữa vẫn không thể thiếu. Mỗi ngày bé vẫn cần được bổ sung từ 400 – 1200ml sữa mẹ/ sữa công thức. Do đó, bố mẹ không nên ép con ăn thức ăn quá nhiều mà hãy để cho bé tự quyết định lượng thức ăn mình muốn ăn. Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, bố mẹ chỉ cần quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm và cung cấp đồ ăn cho bé đúng bữa, đúng nhu cầu.
5.2 Ăn từ ít đến nhiều
Với những bữa ăn dặm đầu tiên, mẹ nên chuẩn bị cho bé một ít thực phẩm, khi bé đã quen với việc ăn dặm mẹ sẽ tăng số lượng thực phẩm lên
5.3 Tạo hứng thú cho bé khi thực hiện bữa ăn
Hãy tạo cho con cảm giác vui vẻ, hứng thú trong mỗi bữa ăn bằng việc chế biến đa dạng các loại thực phẩm với nhiều màu sắc, mùi vị khác nhau để bé trải nghiệm.
5.4 Xử lý khi bé bị nghẹn
Khi bé có dấu hiệu bị nghẹn hoặc nôn, sặc thức ăn mẹ nên sơ cứu cho bé bằng cách:
- Cho bé nằm úp, một tay giữ phần đầu bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh vào lưng từ 5 – 7 cái để tạo áp lực trong lồng ngực đẩy dị vật ra ngoài.
- Sau khi thực hiện cách trên mà bé vẫn bị khó thở, mặt tím tái mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón tay nhấn mạnh, nhanh vào xương ức của bé từ 5 – 7 cái.
- Nếu bé bị nôn qua miệng hoặc mũi, mẹ cần tiến hành hút sạch để thông đường thở cho con.
6. Một số thực phẩm phù hợp cho bé ăn dặm BLW
Hầu hết, các loại thực phẩm phù hợp với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy thường được cắt thành miếng nhỏ, dạng mềm để bé không bị nghẹn khi sử dụng và dễ dàng cầm nắm.
Dưới đây là một số nhóm thực phẩm mẹ nên bổ sung vào thực đơn ăn dặm cho bé theo phương pháp BLW:
- Nhóm cung cấp carbohydrate / chất bột đường cung cấp chất xơ cần thiết cho bé: ngũ cốc, khoai, củ mì,…
- Nhóm chất béo giúp cung cấp năng lượng, phát triển tế bào não và hệ thần kinh cho bé: bơ, phomai, mỡ động vật, dầu ăn,…
- Nhóm Protein giúp xây dựng các cơ, tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể bé: tôm, trứng, thịt, cá, sữa chua, phomai,…
- Nhóm vitamin và khoáng chất giúp điều hòa các hoạt động cơ thể bé, bổ sung chất xơ, chống táo bón: các loại rau xanh, quả chín,…
Trong quá trình chế biến các loại thực phẩm, bố mẹ không nên bổ sung gia vị cho bé như: muối, đường, chất làm ngọt nhân tạo,… vì những gia vị này không cung cấp dinh dưỡng mà còn làm hại thận của bé.
7. Gợi ý thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cho bé
Thời gian đầu khi cho bé ăn dặm mẹ nên cho bé làm quen với các loại rau củ được nấu hoặc hấp chín như: bông cải xanh, bắp cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang,… nhằm cung cấp chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa. Hoa quả, mẹ có thể chọn: cam, nho, kiwi, chuối, việt quất, bơ,… đây là các loại quả giúp kích thích sự thèm ăn cho bé
Các bữa ăn dặm sau mẹ có thể bổ sung các loại thịt mềm như: thịt lợn, thịt gà, thịt bò,… để bổ sung chất đạm, chất béo và sắt cho con
Dưới đây là một số thực đơn ăn dặm cho bé kiểu BLW mẹ có thể tham khảo:
Thực đơn 1: Bánh gạo/ bánh ngũ cốc, ngô bao tử, nho, hàu
Thực đơn 2: Khoai lang, cua, đậu hũ hấp, cà rốt
Thực đơn 3: Cơm, tôm, bắp cải xanh, chuối
Thực đơn 4: Thịt lợn, khoai tây, đậu cô ve
Thực đơn 5: Mì sợi, bí đỏ, cá, lê
Thực đơn 6: bánh mì, thịt bò, dưa leo, táo
Thực đơn 7: Khoai tây, thịt lợn, đậu cove, bơ
Thực đơn 8: Cơm nắm, cá quả, ngọn su su, đu đủ
Mẹ nên lựa chọn thực đơn ăn dặm theo sở thích ăn uống của bé và chế biến món ăn sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tốt cho sức khỏe.
Để bảo quản sữa/ thực phẩm cho bé tốt nhất mẹ có thể tham khảo dòng tủ lạnh mini của Moaz BéBé. Đây là các sản phẩm đa tiện ích, đề cao tính tiện dụng, làm từ chất liệu an toàn, kiểu dáng hiện đại,… chắc chắn sẽ khiến mẹ hài lòng.
8. Ăn dặm truyền thống kết hợp BLW có được không?
Câu trả lời là có, nhưng mẹ cần kết hợp đúng cách, chuẩn khoa học. Bởi lẽ, phương pháp ăn dặm truyền thống giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé. Còn ăn dặm tự chỉ huy lại giúp bé xây dựng tính tự lập cao ngay từ khi còn nhỏ. Việc kết hợp giữa 2 phương pháp ăn dặm này sẽ giúp bé không bị chán ăn, biếng ăn, bé không bị thiếu chất.
Để kết hợp hiệu quả 2 phương pháp này, mẹ có thể sắp lịch cho bé ăn xen kẽ giữa các bữa:
- Bữa sáng, bữa trưa bé ăn dặm kiểu truyền thống
- Bữa tối bé ăn dặm kiểu tự chỉ huy.
Trên đây là các thông tin liên quan đến phương pháp ăn dặm BLW (tự chỉ huy). Hy vọng mẹ đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích để xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé đầy đủ dinh dưỡng, chuẩn khoa học giúp bé phát triển tốt nhất về chiều cao, thể chất và trí tuệ ngay trong 1000 ngày đầu đời. Để quá trình chăm sóc con nhỏ trở nên nhẹ nhàng hơn, mẹ đừng quên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mẹ & bé của Moaz BéBé nhé!