Trẻ sơ sinh bị sặc sữa thở khò khè có sao không? Một số điều ba mẹ cần lưu ý
Trẻ sơ sinh bị sặc sữa thở khò khè khiến cho nhiều ba mẹ lo lắng và không biết cách xử lý như thế nào, nếu mới sinh con lần đầu. Tình trạng này có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho các bé nếu không có biện pháp cải thiện đúng cách. Vì thế, ba mẹ nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, dấu hiệu để có phương thức xử lý, cũng như phòng tránh hiệu quả, an toàn nhất.
1. Trẻ sơ sinh sặc sữa thở khò khè có sao không?
Phần lớn trường hợp trẻ sơ sinh bị sặc sữa, dẫn đến thở khò khè không quá nguy hiểm, vì sữa chỉ chặn một phần khí quản. Nếu trẻ ho và được bố mẹ sơ cứu nhanh chóng thì sữa có thể bị tống ra ngoài đường thở, nên không gây ảnh hưởng cho các bé. Tuy nhiên, sau đó bé sẽ cảm thấy khó chịu một chút, có hiện tượng thở khò khè, nhưng sẽ nhanh chóng bình phục, trở lại bình thường.

Thế nhưng, nếu không cẩn thận thì hiện tượng này cũng có mức độ nặng, đó là khi sữa sặc quá nhiều, dẫn đến bít tắc được thờ hoàn toàn. Không khí sẽ không thể ra vào phổi được, dẫn đến tình huống các cơ quan bị thiếu oxy, nhất là não, nên có nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ. Nếu gặp phải trường hợp này, ba mẹ cần nhanh chóng sơ cứu rồi đưa bé đến bệnh viện để được khẩn cấp hỗ trợ.
Ba mẹ có thể thông qua những dấu hiệu như: Trẻ khó thở, thở hổn hển, khò khè, khóc thét, hoảng loạn. Sau đó là dấu hiệu da xanh xao, tím tái, ho sặc sụa, trớ sữa thậm chí có sữa chảy ra từ mũi, miệng.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh sặc sữa thở khò khè
Tình trạng trẻ sơ sinh bị sặc sữa thở khò khè thường diễn ra do các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, hô hấp của trẻ chưa phát triển toàn diện, hoặc là do ba mẹ chưa có biện pháp chăm sóc đúng cách, cụ thể là:

2.1 Chức năng nuốt và hít thở của bé chưa phát triển hoàn chỉnh
Sau khi sinh, có quan thực hiện chức năng nuốt và hít thở chưa hoàn toàn phát triển, ví dụ như nắp thanh môn thường chưa đóng kín hoàn toàn. Điều này khiến cho sữa có thể bị tràn vào đường hô hấp khi bú, làm cho bé dễ bị sặc sữa thở khò khè.
2.2 Bé bú quá nhiều sữa
Nếu như bé bú nhanh, bú vội, hoặc do bình sữa có lỗ to, mẹ có nhiều sữa, đều có thể là nguyên nhân khiến bé dễ bị sặc sữa. Nếu tốc độ dòng chảy của sữa quá nhanh thì bé không nuốt kịp, nên sữa có nguy cơ tràn vào đường hô hấp của bé.
>>Xem thêm: Mách mẹ cách dùng tay chặn sữa khi cho con bú tránh bị sặc
2.3 Cho bé bú sai tư thế
Khi mẹ cho bé bú sai tư thế có thể làm cho sữa dễ dàng tràn vào đường hô hấp, dẫn đến sặc sữa. Đó là lý do mẹ và người chăm sóc cần phải chọn tư thế cho con bú đúng cách. Điều này cũng có thể gặp khi bé bú sữa công thức. Nên gia đình cần thận trọng khi cho bé bú, nhất là với những bố mẹ mới sinh con lần đầu.

2.4 Bé bị trào ngược dạ dày
Dạ dày của trẻ sơ sinh khác với người trưởng thành, khi nằm ngang và có độ co giãn còn kém. Bên cạnh đó, cơ vòng tâm vị giữa thực quản và dạ dày của trẻ sơ sinh chưa hoạt động hiệu quả nên trẻ rất dễ bị trào ngược dạ dày. Khi bú, sữa có thể bị trào ngược lên và tràn vào đường mũi, làm cho trẻ thở khò khè, sặc sữa, thậm chí là viêm phổi. Vì thế, ba mẹ cần tránh đặt trẻ nằm xuống ngay sau khi bú sữa.
2.5 Bé bị viêm đường hô hấp
Do sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là về đường hô hấp. Lúc bị bệnh, họng và khoang mũi của bé tiết ra dịch nhầy, làm ảnh hưởng quá trình hô hấp, nên bé thường thở bằng miệng. Nếu thở bằng miệng lâu sẽ gây khô niêm mạc họng, dễ bị kích thích, nôn và sặc sữa.
3. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị sặc sữa vào phổi
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị sặc sữa vào phổi có thể xảy ra khi đang bú hoặc sau khi bú và diễn ra chỉ trong tích tắc. Vì thế, ba mẹ cần phải nhanh chóng nhận biết để có biện pháp sơ cứu kịp thời. Do đó, ba mẹ cần chú ý những dấu hiệu điển hình như sau:

- Dù trẻ tiếp tục bú sữa nhưng lực hút đột nhiên yếu hơn bình thường.
- Trẻ bị ho sặc sụa, hoặc bị nghẹn khi bú.
- Bé có những dấu hiệu thở khò khè, thở rít, khó thở.
- Nhịp thở của trẻ nhanh dần, thở không đều, thở rút lõm, thậm chí là ngừng thở đột ngột.
- Trẻ có dấu hiệu nôn khi bú.
- Bé vặn người và nhăn mặt lại khi bú.
- Mặt trẻ tím tái lại.
- Sữa trào ra từ mũi, miệng của bé khi đang bú hoặc sau khi bú xong.
4. Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa
Ngay khi nhận ra bé có dấu hiệu sặc sữa, mẹ cần ngừng cho bé bú ngay lập tức. Sau đó mẹ đỡ trẻ ngồi dậy để có thể họ và tự tống sữa ra khỏi đường thở. Sau đó bố mẹ dùng khăn mềm lau sạch sữa và các chất sặc ra từ đường thở ở xung quanh miệng, mũi cùng mặt bé.
Sữa bị tràn vào phổi cần được hút sạch ngay bằng những thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, nếu không có sẵn các dụng cụ này thì ba mẹ cần hút ra bằng miệng. Ba mẹ hãy bắt đầu từ miệng trước, rồi mới hút mũi.

Tiếp đến, ba mẹ dùng tay vỗ lưng của trẻ để kích thích bé khóc và tự thở. Hãy đặt trẻ nằm sấp trên đùi, để đầu thấp hơn ngực rồi dùng tay vỗ liên tục 5 cái bằng lực vừa đủ vào giữa 2 vai của trẻ theo chiều từ trên hướng xuống dưới. Sau đó là lật trẻ về tư thế nằm ngửa một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Nếu trẻ khóc òa lên và tự thở được chính là đã an toàn.
Trong trường hợp trẻ không có dấu hiệu chuyển biến tốt thì phải ấn ngực. Đầu tiên hãy để trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn ngực rồi ba mẹ dùng ngón trỏ cùng ngón giữa ấn bằng lực vừa phải trên xương ức của trẻ theo chiều hướng xuống dưới 5 lần liên tiếp. Đồng thời kết hợp với 5 lần vỗ lưng rồi lại ấn ngực cho đến khi trẻ thở được. Ngay sau đó hãy đưa bé đến bệnh viện ngay.
5. Biện pháp phòng tránh tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị sặc sữa thở khò khè xảy ra đột ngột, khiến nhiều gia đình sợ hãi và luống cuống. Chính vì thế, bố mẹ hãy chủ động tìm những biện pháp phòng tránh bằng cách có phương pháp chăm sóc khoa học và thay đổi những thói quen có khả năng gây hại, để giảm nguy cơ sặc sữa cho trẻ.
5.1 Thay đổi tư thế bú
Khi bé được bú mẹ đúng tư thế hoặc bú bình tiêu chuẩn đều sẽ dễ bú sữa hơn, sữa dễ dàng đi xuống dạ dày và không gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Vậy nên khi cho bé bú sữa, bố mẹ cần tìm hiểu tư thế bú tiêu chuẩn nhất.
>>Xem thêm: Cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị sặc trớ hiệu quả

Nếu mẹ cho bé bú sữa mẹ thì có thể chọn tư thế nằm hoặc ngồi đều được. Tuy nhiên cần phải đảm bảo cả mẹ lẫn bé đều cảm thấy thoải mái, không bị mỏi trong quá trình cho bú. Mẹ đặt bé nằm nghiêng sao cho đầu và thân nằm trên cùng một đường thẳng. Mặt của bé hướng về phía bầu ngực của mẹ, mũi hướng đối diện núm vú, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ. Mẹ dùng tay đỡ lấy toàn bộ cơ thể trẻ trong lúc bú.
Có một lưu ý nhỏ là mỗi ngày, mẹ có thể chia thành nhiều cữ bú cho trẻ, nên không nhất định phải làm trẻ bú quá no, vì có thể dẫn đến trình trạng ọc sữa. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp bé được bú bình.
Trong trường hợp gia đình cho bé bú sữa công thức thì phải đặt bé ngồi thẳng lưng trong lòng bố mẹ, rồi bố mẹ đầu bé bằng tay trái, đảm bảo cho đầu bé cao hơn thân tính từ cổ xuống, để sữa dễ dàng chảy xuống đường tiêu hóa, tránh bị trào ngược, tránh sặc vào đường phổi.
5.2 Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Khi bố mẹ làm sạch khoang mũi cho bé, loại bỏ những dịch nhầy trong khoang mũi thì có thể giúp bé phòng tránh các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi, họng, tránh kích ứng mũi. Nhờ vậy sẽ hạn chế nguy cơ bị ho, khó chịu, ngạt thở khi bú để tránh được hiện tượng sặc sữa.
5.3 Sau khi cho bú xong, bố mẹ vỗ ợ cho trẻ
Sau khi bé vừa bú xong, bố mẹ không nên đặt bé nằm xuống ngay vì có thể bị trào ngược dạ dày, ọc sữa. Vậy nên bố mẹ cần phải vỗ ợ cho bé, giúp loại bỏ không khí trong dạ dày. Bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn, không bị đầy bụng, nôn trớ sữa.

Cách thực hiện rất đơn giản, bố mẹ chỉ cần bế bé và đặt cằm tựa vào vai người bế. Sau đó bố mẹ dùng một tay để giữ bé và tay còn lại vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé cho đến khi ợ hơi.
Sau một vài lần vỗ, nếu bé không ợ thì mẹ có thể cho bé bú tiếp hoặc nghỉ ngơi do lượng khí trong dạ dày quá ít nên trẻ không cần ợ. Nhưng bố mẹ nên duy trì tư thế bế trong khoảng 10 – 15 phút để tránh ọc sữa.
5.4 Làm sạch mũi và miệng sau mỗi bữa ăn
Sau khi cho bé bú, bố mẹ dùng khăn ẩm lau sạch mũi và miệng của bé để loại bỏ sữa dư thừa. Nhờ vậy bố mẹ có thể ngăn ngừa tình trạng trẻ hít phải sữa.
5.5 Một số chú ý khác
Ngoài những biện pháp phòng tránh trên, bố mẹ cần chú ý kiểm soát dòng chảy của sữa mẹ lẫn sữa công thức, tránh để sữa chảy quá nhanh, làm bé nuốt không kịp. Vậy nên mẹ cần lưu ý đến quá trình bé bú sữa, cũng như chọn loại bình sữa có núm ti không có lỗ quá lớn.
>> Xem thêm: Mẹo trị ọc sữa cho trẻ sơ sinh đơn giản, hiệu quả
Trên đây là những nguyên nhân trẻ sơ sinh bị sặc sữa thở khò khè cùng các biện pháp xử lý và phòng tránh hiệu quả. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bố mẹ không bối rối khi gặp phải tình huống bất ngờ, nhanh chóng phản ứng để bảo vệ sức khỏe của bé an toàn.