Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có lợi hay hại? Lời khuyên từ chuyên gia
Trong những tháng đầu đời, giấc ngủ là cách con thích nghi với môi trường xung quanh, giúp cơ thể phát triển nhanh chóng cả về thể chất và trí tuệ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bác sĩ nhi khoa chia sẻ, trẻ sơ sinh ngủ nhiều hay ít đều có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển. Vậy, trẻ sơ sinh ngủ nhiều có lợi hay có hại? và một ngày, con nên ngủ bao nhiêu giờ là đủ? Tất cả các thông tin trên đã được Moaz BéBé tổng hợp trong bài chia sẻ dưới đây, mời bạn tham khảo:
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ nhiều vào ban ngày
Ở những tháng thai kỳ, bụng mẹ là môi trường ngủ lý tưởng của trẻ. Bởi con được bao bọc và có cảm giác ấm áp, thoải mái. Hơn nữa, được ru ngủ bằng giọng nói yêu thương của bố mẹ, con có thiên hướng sẽ dành nhiều thời gian để ngủ hơn. Do vậy, khi chào đời, trong những tháng đầu, trẻ chưa phát triển nhịp sinh học ngủ / thức con vẫn quen với việc ngủ nhiều và ngủ bất cứ khi nào, thậm chí có bé có thể ngủ cả ngày.
2. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không?
Câu trả lời là còn tùy thuộc vào lượng sữa con nạp vào cơ thể mỗi ngày có đảm bảo hay không:
- Nếu con ngủ nhiều nhưng ăn đủ bữa con phát triển khỏe mạnh, tăng cân đều thì việc ngủ nhiều là điều bình thường. Bố mẹ không cần lo lắng vì nó không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Trong trường hợp, trẻ sơ sinh ngủ nhiều ăn ít nếu kéo dài sẽ khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, con không tăng cân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
>> Xem thêm: Bảng ml sữa chuẩn cho bé theo tháng tuổi và cân nặng đơn giản, dễ hiểu
Cụ thể là:
2.1 Ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ
Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên ngủ mỗi lần chỉ từ 2 -3 giờ và ăn khoảng 20 – 60ml sữa tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong từng tháng tuổi. Trong tháng đầu tiên, ban ngày mẹ có thể đánh thức trẻ dậy ăn sau 2 -3 giờ ngủ, ban đêm có thể đánh thức trẻ dậy ăn sau 4 – 5 giờ ngủ. Cách tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện là hình thành cho trẻ thói quen ngủ vào ban đêm, duy trì giấc ngủ khoa học – “ngủ đủ giấc, ăn đủ cữ” để trẻ có thể phát triển tốt nhất.
2.2 Nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm
Trẻ sơ sinh kích thước dạ dày thường rất nhỏ nên trẻ rất dễ no mà cũng nhanh đói. Khi đã được bú no cùng tư thế được mẹ ôm ấp, con sẽ thấy thoải mái, an toàn. Từ đó con sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Thông thường, cứ sau khoảng 2 giờ – 3 giờ con sẽ tự thức dậy để được bú tiếp nếu đói – tức lượng sữa trong dạ dày đã được tiêu hóa hết.
Tuy nhiên, có những trẻ sơ sinh ngủ nhiều, mỗi lần ngủ có thể kéo dài từ 4 giờ – 8 giờ, thậm chí có bé khoảng 10 giờ đồng hồ. Bé ngủ giấc sâu, dài đến mức quên ăn. Điều này thực sự là không tốt. Bởi lẽ, trẻ sơ sinh ngủ nhiều, quên ăn khiến hàm lượng dinh dưỡng trong cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng, không đủ để cung cấp năng lượng cho trẻ phát triển toàn diện. Trẻ có thể bị hạ đường huyết nếu nhịn đói quá lâu, cùng với đó là xuất hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm như: sốt kèm theo các dấu hiệu suy hô hấp, tiêu chảy, mất nước, viêm đường hô hấp trên, rối loạn nhịp thở, ngủ li bì mặc dù bố mẹ gọi mãi không dậy, da tím tái,…
>> Xem thêm: Giải đáp từ chuyên gia: Trẻ sơ sinh 1 tiếng bú 1 lần có sao không?
3. Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?
Thời gian bé ngủ 1 ngày phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển:
- Tháng đầu được xem là giai đoạn trẻ sơ sinh ngủ nhiều nhất. Theo nghiên cứu, trung bình mỗi đứa trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 16 – 20 tiếng, mỗi giấc ngủ kéo dài từ 1 – 3 giờ và ngủ ở bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, với trẻ sinh non, thời gian ngủ mỗi lần có thể sẽ dài hơn. Khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe như: tiêu hóa, ho, sốt, mệt mỏi,… giấc ngủ của trẻ có thể rút ngắn lại.
- Ở thời điểm trẻ sang tháng thứ 2, thời gian ngủ của trẻ mỗi ngày có thể giảm xuống còn tối đa 16 giờ. Mỗi lần ngủ kéo dài từ 2 – 4 giờ và trẻ đã bắt đầu hình thành xu hướng ngủ vào ban đêm nhiều hơn.
- Từ 3 – 6 tháng tuổi, khi này trẻ đã quen với giấc ngủ ban đêm, con sẽ ngủ khoảng 14 giờ/ngày.
- Từ 6 tháng – 12 tháng trẻ chỉ ngủ từ 12 – 15 tiếng mỗi ngày.
4. Có nên đánh thức trẻ sơ sinh ngủ nhiều không?
Theo chia sẻ từ các chuyên gia khoa nhi, trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên không thể nhịn hơn 4 – 5 giờ đồng hồ nên khi con ngủ nhiều bố mẹ cần đánh thức con dậy. Khoảng thời gian lý tưởng nhất cho độ tuổi này là cho con ngủ khoảng 3 giờ đồng hồ sau đó gọi con dậy ăn sữa, ngày thực hiện 8 lần. Như vậy sẽ đảm bảo con được ăn no và được cung cấp đủ lượng sữa mỗi ngày.
Để đánh thức con dậy mà không làm bé khó chịu, giật mình, bố mẹ có thể làm theo một số cách sau:
- Lắc ngón chân con nhẹ nhàng
- Vuốt ve má bé cùng những lời nói yêu thương
- Nhẹ nhàng vuốt ve dưới bàn chân con để thức tỉnh bản năng của trẻ
- Nới hoặc bỏ bớt các loại chăn quấn
- Mở nhạc hoặc hát cho con nghe những bài vui nhộn
- Tăng dần độ sáng trong phòng để kích thích bản năng thức dậy của con
Bên cạnh việc theo dõi số giờ ngủ, chế độ dinh dưỡng, bố mẹ cũng nên quan sát biểu hiện của con. Nếu con có dấu hiệu ngủ nhiều li bì cùng các triệu chứng như: ho, sốt cao,… bố mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
5. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ nhiều thường xuyên?
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều khiến bố mẹ lo lắng, để cải thiện tình trạng này, bố mẹ nên điều chỉnh lịch ngủ cho trẻ bằng cách áp dụng một số biện pháp sau:
- Xây dựng thói quen tốt cho trẻ: Trước khi đi ngủ bố mẹ nên tắm cho con hoặc mát xa nhẹ nhàng cơ thể con
- Mặc cho con những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát để con dễ thức dậy hơn khi đến cữ sữa
- Có thể cho con ra tắm nắng nếu trẻ đẫ cứng cáp hoặc bế bé đi dạo xung quanh phòng để cơ thể tiếp xúc với ánh sáng giúp trẻ phân biệt được ngày – đêm
6. Gợi ý chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh khoa học
Để có những giấc ngủ đảm bảo, bố mẹ nên chăm sóc giấc ngủ của con. Ngoài việc điều chỉnh thời gian ăn – ngủ phù hợp, bố mẹ nên tham khảo một số gợi ý sau:
- Không để quá nhiều các loại chăn, gối hoặc đồ chơi xung quanh con. Hãy dành cho con một khoảng không gian để con tự do cựa quậy, thay đổi tư thế ngủ.
- Hạn chế đắp chăn mền cho con. Đặc biệt là khu vực đầu – có chức năng làm thoát nhiệt cơ thể. Đắp kín quá có thể khiến con khó chịu vì bị nóng hoặc gây nghẹt thở
- Tạo cho con không gian lý tưởng khi ngủ. Phòng ngủ đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ
- Tránh tình trạng bẹp đầu, bố mẹ nên cho con nằm ngửa khi ngủ và nằm nghiêng hoặc nằm sấp trong thời gian ngắn
- Dùng máy tạo tiếng ồn trắng giúp con đi vào giấc ngủ nhanh hơn, sâu giấc hơn mà không cần người lớn hát ru hoặc bế ẵm hình thành thói quen tự ngủ tốt cho con.
Hy vọng các thông tin Moaz BéBé chia sẻ phía trên đã giúp mẹ hiểu hơn về hiện tượng trẻ sơ sinh ngủ nhiều và giải đáp được các thắc mắc liên quan. Đừng quên Moaz BéBé thường xuyên để cập nhật các thông tin mới nhất giúp mẹ chăm con “nhàn tênh” nhé!