Các tư thế cho con bú đúng cách tránh sặc sữa, bé bú được nhiều
Cho con bú tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại khiến nhiều mẹ bối rối, nhất là với những người lần đầu làm mẹ. Theo các nghiên cứu khoa học cùng kinh nghiệm của các mẹ, không phải tư thế cho bú nào cũng giúp bé nhận được dễ dàng và nhiều sữa nhất. Hơn nữa, nếu tư thế cho con bú không chính xác còn làm các bé bị sặc, sợ hãi việc bú sữa từ mẹ. Vậy tư thế cho con bú đúng cách mà mẹ nên áp dụng là gì?
1. Những yếu tố quan trọng để đảm bảo tư thế cho trẻ bú đúng
>>Xem thêm: Các tư thế cho bé bú bình đúng cách tránh bị sặc sữa mà mẹ cần biết
Trước khi tìm hiểu xem tư thế cho con bú đúng cách là gì, mẹ cần phải nắm rõ 4 yếu tố then chốt để đảm bảo cho con bú đúng tư thế, bao gồm:
- Đảm bảo phần đầu và phần thân của trẻ phải nằm trên cùng một đường thắng.
- Phải để toàn bộ thân trẻ sát vào người mẹ, bụng của bé áp sát với bụng của mẹ.
- Đặt mặt của trẻ quay về phía vú mẹ, mũi của trẻ đối diện với núm vú.
- Đối với trẻ sơ sinh, khi cho con bú, mẹ phải đỡ đầu, vai cũng như phần mông của trẻ.
2. Gợi ý 3 tư thế cho trẻ sơ sinh bú đúng cách
Mẹ thường cho các bé bú ở tư thế ngồi và nằm, ngoài ra nếu nuôi 2 con thì tư thế bú cũng sẽ thay đổi. Vì thế, Moaz BéBé sẽ gợi ý 3 tư thế cho bé bú đúng cách:
2.1 Những tư thế ngồi cho bú
Do mỗi cữ bú của bé thường kéo dài từ 15 – 30 phút, nên mẹ cần chọn tư thế ngồi thoải mái và nơi ngồi dễ chịu nhất, để tránh bị tê mỏi sau thời gian cho con bú. Khi ngồi cho bé bú, mẹ có thể chọn 1 trong 3 tư thế như sau, hoặc thay đổi sao cho cảm thấy tiện lợi và thoải mái nhất:
-
Tư thế ôm nôi
Đây là tư thế đơn giản và dễ thực hiện nên được nhiều mẹ bỉm áp dụng. Để thực hiện tư thế này, các mẹ cần:
Mẹ bế bé lên bằng 2 tay, rồi ngồi xuống ghế, giường hoặc bất kỳ chỗ nào có điểm tựa vững chắc và tạo cảm giác thoải mái cho mẹ khi ngồi.
Sau đó đặt thân và đầu của bé nằm trên một đường thẳng, đảm bảo áp bụng của mẹ và bé vào với nhau, để cho mặt bé đối diện với núm vú của mẹ.
Khi thực hiện theo tư thế này, mẹ có điểm tựa chắc chắn để không bị mệt mỏi, dễ dàng bế con vào lòng và dùng 2 tay tạo thành hình vòng cung để đỡ lấy bé, đảm bảo sự an toàn cho con. Khi bế con lên và cho bú thì dùng tay cùng phía với bầu ngực bên đó để đỡ bé.
Với tư thế này, mẹ phải đảm bảo tai, vai và hông bé nằm trên một đường thẳng. Bé nằm nghiêng người và mặt đối diện với núm vú của mẹ. Nếu như bé bú không có nhiều lực thì mẹ dùng tay còn lại đỡ đầu con hoặc cố định đầu ti để không bị trượt khỏi miệng bé.
Tương tự tư thế này, mẹ có thể chọn tư thế ôm nôi – cánh tay phía đối diện. Tức là dùng tay đỡ trẻ ngược lại với bầu ngực. Đây là tư thế thích hợp với mẹ chỉ thuận một tay, giúp bé bú được cả 2 bên và đảm bảo sự an toàn cho con.
Lưu ý là không được để bé nằm ngửa, chỉ nghiêng đầu về phía núm vú. Bởi đây là tư thế khiến cho bé bị mỏi cổ, không thoải mái trong quá trình bú mẹ.
-
Tư thế ôm bóng
Nếu như mẹ sinh mổ và vết thương chưa lành, hoặc là đầu ti của mẹ bị tụt vào sâu bên trong, hay là đầu ti bị dẹt khiến bé khó bú, bầu ngực hoặc đầu ti quá lớn, sữa mẹ chảy quá mạnh, … thì nên áp dụng tư thế ôm bóng. Đây là tư thế cho bú giúp mẹ nhìn rõ và kiểm soát phần đầu của con tốt hơn, tránh cho con đè lên vùng vết mổ. Cách thực hiện như sau:
Mẹ đặt bé nằm bên phải hoặc bên trái cánh tay, sao cho miệng bé ngang tầm với đầu ti. Rồi mẹ dùng tay thuận để đỡ phần đầu và gáy của con, tay còn lại đỡ ngực để cho bé bú.
-
Tư thế giữ Koala
Khi cho bé bú ở tư thế giữ Koala, mẹ ngồi thẳng, đặt con trên đầu gối và điều chỉnh cho ngực ở vừa tầm với miệng bé. Mẹ sử dụng đầu gối làm điểm tựa, 2 tay mẹ giữ lấy cơ thể bé. Đây là tư thế giúp mẹ không bị nhức mỏi tay, không cần dùng nhiều lực để giữ lấy bé.
-
Tư thế ngồi tựa lưng cho con bú
Khi thực hiện tư thế này, mẹ ngả lưng về phía sau theo một góc nghiêng 45 độ. Nơi ngả lưng là một vách tường, vách giường, lưng ghế. Mẹ có thể dùng gối kê để chống mỏi lưng.
Sau đó mẹ đặt bé nằm trên bụng và tì vào ngực mẹ để bú. Mẹ dùng tay đỡ nhẹ phía sau đầu của bé, hoặc đặt tay trên lưng để giữ bé. Đây là một tư thế không cần mẹ dùng quá nhiều lực.
2.2 Tư thế nằm cho bé bú
Mẹ có thể áp dụng tư thế nằm cho bé bú khi vừa sinh xong, chưa phục hồi sức khỏe. Hoặc là mẹ không có đủ sức khỏe để ngồi cho con bú. Ngoài ra có thể áp dụng khi mẹ mổ đẻ, nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng sẽ thoải mái hơn, không bị đau đớn. Các mẹ phải khâu tầng sinh môn cũng có thể áp dụng tư thế này. Ngoài ra một số mẹ cho con bú khi bé ngủ cũng có thể thực hiện.
Để tiến hành tư thế nằm cho con bú, mẹ áp dụng các bước như sau:
Mẹ đặt bé nằm xuống, rồi nằm nghiêng, dùng gối kê cao đùi và đầu gối. Sau đó đặt bé nằm theo tư thế nghiêng, quay đầu bé về phía đầu ti, đảm bảo miệng bé đối diện với núm vú. Mẹ dùng tay hoặc dùng gối đỡ đầu bé cao lên để tránh làm con sặc sữa.
Tiếp đến là kéo người bé lại sát với cơ thể mẹ, tiếp tục dùng tay đỡ đầu hoặc ôm hông bé trong quá trình bú. Tư thế này sẽ giúp mẹ được thư giãn và thoải mái, bé cũng bú được nhiều sữa hơn.
Tuy nhiên, có một lưu ý là tư thế này dễ dàng khiến cả mẹ lẫn bé ngủ quên. Vậy nên gia đình cần đảm bảo có người quan sát, theo dõi tình trạng của mẹ lẫn bé khi bú. Lưu ý rằng đã có trường hợp bé bị ngạt thở do đầu ti đè lên mũi, nên gia đình phải thận trọng.
2.3 Tư thế cho bé bú song sinh
Những tư thế trên được áp dụng cho các gia đình đang nuôi một bé. Nhưng nếu như trong nhà sinh đôi thì cần phải thay đổi cách khác, đó là tư thế cho bú song sinh. Khi cho 2 bé bú cùng lúc, ở 2 bên bầu ngực, mẹ sẽ tận dụng được hoàn toàn lượng sữa, kích thích cơ thể sản xuất thêm nhiều sữa để phù hợp với nhu cầu bú của các con. Tư thế cho bé bú song sinh được thực hiện như sau:
>>Xem thêm: Mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa con bú no nê
Mẹ đặt 2 bé song song, ở 2 bên hông của mẹ. Đảm bảo 2 chân của bé đặt ở sau lưng mẹ, đầu của bé thì hướng về phía trước và mặt thì áp vào đầu ti của mẹ.
Sau đó, mẹ dùng gối hình chữ U để kê ở bên dưới, chống mỏi tay khi đỡ bé. Tuy nhiên, mẹ không nên đặt bé hoàn toàn xuống gối, vì khiến cho bé không bú được sữa.
Tiếp đến là điều chỉnh tư thế của từng bé, khi nào bé này ổn định thì chỉnh cho bé còn lại. Lưu ý là mẹ phải thay đổi vị trí bú của 2 bé để lượng sữa tiết ra nhiều và đều đặn hơn, chống chênh lệch 2 đầu ngực và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.
3. Một số tư thế cho con bú mẹ cần tránh
Khi mẹ cho các bé bú, cần tránh một số tình huống như sau để không làm ảnh hưởng sức khỏe của bé lẫn của mẹ, cũng như giúp bé bú được nhiều sữa hơn, giúp cơ thể sản xuất thêm lượng sữa cần thiết:
- Tránh ép ngực mẹ vào miệng bé vì có thể gây ra nguy cơ khó thở, ngạt thở. Hơn nữa có thể làm cho bé ngậm đầu ti sai cách, khiến cho hiệu quả bú bị ảnh hưởng, bé sẽ không hấp thu đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Đó là lý do khi cho bé bú, mẹ phải giữ lưng thẳng và đưa bé từ từ lại gần với đầu ti.
- Tránh xoay đầu và cơ thể bé theo 2 hướng khác nhau, ví dụ đặt bé nằm ngửa nhưng xoay đầu nghiêng về phía núm vú. Đây là tư thế làm cho bé gặp khó khăn khi bú, cũng như làm bé bị mỏi mệt, ảnh hưởng sự phát triển.
- Không đặt cơ thể bé ở xa cách với ngực mẹ vì bé sẽ cố gắng kéo núm ti của mẹ, làm cho mẹ bị đau đầu ngực.
4. Mẹo hay cho bé bú hiệu quả
Để giúp cho bé bú được nhiều sữa hơn, tránh cho mẹ bị đau mỏi khi cho con bú, đặc biệt là tránh đau ngực, cảm thấy khó chịu, mẹ có thể áp dụng một số mẹo như sau:
Nhận biết bé đói khi tỉnh táo hơn bình thường, có những động tác như mút tay, xoay đầu tìm núm ti. Nếu mẹ chạm tay vào má thì bé sẽ quay đầu về phía đó để tìm đầu ti.
Nếu như bé tự động nhả ngực, hoặc không còn bú mạnh mẽ và nhịp nhàng như trước, hay là có dấu hiệu lim dim ngủ chứng tỏ đã bú đủ lượng sữa cần thiết.
Mẹ chú ý quan sát các cử chỉ của bé để biết được nhu cầu của con, cũng như giúp con cảm thấy thoải mái nhất.
Ôm bé để tạo sự tương tác, giúp cho bé an toàn, tin tưởng ở mẹ, cũng như ổn định nhịp tim và nhịp thở.
Không nên lạm dụng núm ti giả vì sẽ làm cho bé không phân biệt được núm vú giả và núm vú thật, gây khó khăn khi cho con bú.
Nắm vững thời gian bé ngủ và thức, để thay tã, cho bé bú đúng thời điểm. Mỗi cữ bú nên cách nhau khoảng 3 giờ. Và mẹ có thể đánh thức bé nếu cần thiết.
>>Xem thêm: Mách mẹ cách dùng tay chặn sữa khi cho con bú tránh bị sặc
Trên đây là những tư thế cho con bú đúng cách mà mẹ nên áp dụng. Những biện pháp này cần được thực hiện tuần tự và chú ý kỹ các chi tiết, để giúp cả mẹ lẫn bé cảm thấy thoải mái nhất. Mẹ và gia đình có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhi khoa để đảm bảo chính xác và an toàn.