Vị trí thai nhi trong bụng mẹ: Mẹ cần biết gì trong thai kỳ?
Vị trí thai nhi trong bụng mẹ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của bé và quá trình sinh nở sau này. Có nhiều mẹ cảm thấy lo lắng khi đi siêu âm ngôi thai bé bất thường. Đặc biệt là trong 3 tháng giữa thai kỳ, mỗi lần siêu âm bé lại nằm ở một vị trí khác nhau càng làm mẹ hoang mang. Vậy ở mỗi giai đoạn thai kỳ, thai trong bụng mẹ sẽ ở những vị trí nào? Việc thai nhi thay đổi nhiều vị trí có nguy hiểm không? Hãy cùng Moaz BéBé tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến vị trí thai nhi trong bụng mẹ
Có thể mẹ không biết, trong suốt 40 tuần thai, thai nhi sẽ thay đổi vị trí nhiều lần theo từng giai đoạn của thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do:
- Lượng nước ối: Nước ối giúp thai nhi dễ dàng di chuyển trong tử cung. Do đó, nếu nước ối quá ít hoặc quá nhiều đều ảnh hưởng tới cử động của bé và khiến bé không thể xoay đầu được đúng vị trí.
- Tử cung: Nếu tử cung của mẹ có hình dạng hoặc kích thước bất thường, chẳng hạn như tử cung hai sừng cũng có thể khiến thai nhi khó xoay về ngôi đầu.
Ngoài ra, đa thai, vị trí nhau thai bám thấp, hoặc mẹ từng sinh mổ,… cũng ảnh hưởng đến vị trí của thai trong bụng mẹ.
2. Vị trí thai nhi trong bụng mẹ 3 tháng đầu thai kỳ
Trong 3 tháng đầu thai kỳ (từ tuần 1 đến tuần 12) thai nhi vẫn còn rất nhỏ, ước tính kích thước chỉ bằng từ hạt gạo đến quả chanh. Lúc này, vị trí thai nhi trong bụng mẹ đa phần được xác định là vị trí làm tổ trong tử cung, nơi trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung và bắt đầu phát triển thành phôi thai. Đây được xem là vị trí lý tưởng, vì thai nhi có đủ không gian phát triển và ít nguy cơ biến chứng hơn.
Tuy nhiên, có một số trường hợp thai làm tổ sai vị trí, điển hình như:
- Thai ngoài tử cung (thường nằm ở vòi trứng): Đây là tình trạng nguy hiểm, cần can thiệp y tế sớm để bảo vệ tính mạng của mẹ.
- Thai bám thấp hoặc nhau bám mép, có thể gây ra tình trạng ra máu trong thai kỳ hoặc dọa sảy thai.
Do kích thước còn quá bé, nên trong 3 tháng đầu về tư thế nằm, bé vẫn đang trôi trong túi ối và chưa có tư thế cố định. Thai có thể xoay mọi tư thế, nghiêng hoặc duỗi ra theo nhiều hướng khác nhau. Đây cũng là lý do vì sao bác sĩ chưa chẩn đoán “ngôi thai” trong giai đoạn này, bởi bé có rất nhiều không gian để liên tục thay đổi tư thế.
3. Vị trí thai nhi trong bụng mẹ 3 tháng giữa thai kỳ
Bước sang 3 tháng giữa thai kỳ (từ tuần 13 đến tuần 27), thai nhi bắt đầu lớn dần lên và phát triển rõ rệt về hình dáng và cử động. Đây được xem là giai đoạn “thảnh thơi” nhất của mẹ bầu, vì các triệu chứng ốm nghén đã thuyên giảm, cơ thể mẹ cũng đã quen dần với sự hiện diện của em bé.
Ở thời điểm này, thai nhi còn khá nhỏ so với không gian buồng tử cung nên có nhiều chỗ di chuyển, thoả sức “bơi lội” xoay mình trong nước ối. Do đó, vị trí thai nhi trong bụng mẹ vẫn còn rất linh hoạt và chưa cố định. Bé có thể nằm ngửa, nằm nghiêng, cuộn tròn, xoay đầu lên trên hoặc xuống dưới.
Thông thường, khi siêu âm ở 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu có thể dễ dàng bắt gặp khoảnh khắc con nằm ở các tư thế khác nhau như:
- Đầu lên – mông xuống
- Mông lên – đầu xuống
- Nằm ngang (tư thế nằm ngang trong tử cung)
- Cuộn tròn, quay mặt vào lưng mẹ hoặc quay ra ngoài
4. Vị trí thai nhi trong bụng mẹ 3 tháng cuối thai kỳ
3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 28 đến tuần 40) là giai đoạn thai nhi phát triển vượt bậc cả về kích thước lẫn chức năng các cơ quan. Đây cũng là thời điểm cực kỳ quan trọng để theo dõi vị trí thai nhi trong bụng mẹ, vì lúc này bé bắt đầu ổn định ngôi thai để chuẩn bị cho ngày chào đời.
Ở giai đoạn này, thai nhi nặng khoảng 1–3,5kg và dài khoảng 40–50cm. Do kích thước tăng lên đáng kể nên không gian tử cung cho bé “bơi tung tăng” không có nhiều. Chính sự chật chội này đã làm bé cần giữ một tư thế cố định – đây chính là vị trí ngôi thai.
Tam cá nguyệt thứ ba, vị trí thai lý tưởng chính là ngôi đầu, tức là đầu bé hướng xuống dưới, cằm cúi về ngực và lưng quay ra phía bụng mẹ. Ở tư thế này, khi sinh đầu bé sẽ đi ra ngoài trước giúp quá trình sinh thường diễn ra thuận lợi và an toàn.
Theo một số nghiên cứu, phần lớn thai nhi (khoảng 95%) sẽ tự xoay về ngôi đầu vào khoảng tuần 32–36. Tuy nhiên, có những bé quay đầu sớm từ tuần 28, và cũng có trường hợp bé quay đầu muộn đến gần ngày sinh.
5. Dấu hiệu nhận biết vị trí thai nhi trong bụng mẹ
Ngoài việc siêu âm và khám thai định kỳ ở 3 tháng cuối, mẹ bầu cũng có thể cảm nhận được vị trí thai nhi trong bụng qua một số dấu hiệu như:
- Đầu thai quay xuống: Mẹ thấy bé đạp ở phần bụng trên, cảm giác nặng nề ở vùng chậu, áp lực lên bàng quang tăng lên.
- Ngôi mông/ngôi ngang: Bé có thể đạp vào bàng quang hoặc vùng bụng dưới, thai máy không đều hoặc khó xác định vị trí mông/đầu.
6. Các vị trí thai nhi trong bụng mẹ không thuận lợi
Thực tế, trong 3 tháng cuối thai kỳ, không phải bé nào cũng tự xoay đầu đúng thời điểm.
Một số trường hợp thai nhi nằm ở ngôi thai bất thường như:
- Ngôi mông: mông hoặc chân bé hướng xuống dưới, đầu quay lên trên.
- Ngôi ngang: bé nằm ngang trong tử cung, lưng hoặc vai hướng về cổ tử cung.
- Ngôi trán/ngôi mặt: đầu quay xuống nhưng bé ngửa mặt, không cúi cằm như bình thường.
Những vị trí này thường gây khó khăn cho quá trình sinh thường và bác sĩ có thể cân nhắc sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
7. Mẹ nên làm gì khi vị trí thai nhi bất thường?
Nếu phát hiện thai nhi nằm ở ngôi mông, ngôi ngang hoặc các tư thế không thuận lợi, mẹ bầu không nên lo lắng quá mức. Trước tiên, hãy bình tĩnh và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Có thể bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ tập một số bài tập xoay ngôi thai như:
- Tập các bài thể dục nhẹ nhàng như: tư thế bò, tư thế quỳ hay tư thế ngồi để tạo điều kiện cho bé quay đầu xuống.
- Ngồi đúng tư thế, tránh ngồi dựa ra sau lâu, nên ngồi thẳng lưng hoặc hơi ngả người về phía trước
- Đi bộ mỗi ngày giúp tăng lưu thông máu và tạo lực hút trọng trường nhẹ giúp thai nhi quay đầu.
- Ngủ nghiêng bên trái để tăng lưu lượng máu đến tử cung và giúp bé nằm đúng vị trí.
Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng.
8. Các câu hỏi liên quan đến vị trí thai nhi trong bụng mẹ
Ngôi thai bất thường mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ?
Câu trả lời: Không phải cứ ngôi thai bất thường là buộc phải sinh mổ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể để bác sĩ đưa ra lời khuyên. Đánh giá của bác sĩ dựa trên các yếu tố như: vị trí thai, kích thước em bé, khung xương chậu của mẹ và nhiều yếu tố liên quan khác nữa.
Thai nhi nằm ở vị trí nào trong bụng mẹ là tốt nhất?
Câu trả lời: Vị trí tốt nhất là ngôi đầu, nghĩa là đầu bé hướng xuống, cằm cúi vào ngực, lưng quay ra bụng mẹ – giúp quá trình sinh dễ dàng hơn.
Bao nhiêu tuần thì thai nhi quay đầu?
Câu trả lời: Thông thường, bé bắt đầu quay đầu vào tuần 30–32, nhưng một số bé có thể quay đầu muộn hơn, thậm chí gần sát ngày sinh.
Có cần can thiệp nếu thai chưa quay đầu?
Câu trả lời: Nếu sau tuần 36 mà thai nhi chưa quay đầu, bác sĩ có thể chỉ định tập các bài tập hoặc thực hiện thủ thuật xoay thai ngoài bụng mẹ.
Ngôi thai có thay đổi không?
Câu trả lời: Có. Trong những tháng đầu và giữa thai kỳ, ngôi thai có thể thay đổi linh hoạt. Đến những tuần cuối, bé sẽ ổn định dần để chuẩn bị chào đời.
>> Xem thêm: Sự phát triển của thai nhi theo từng tuần: Mẹ bầu nên biết
Hiểu rõ vị trí thai nhi trong bụng mẹ theo tuần là điều cần thiết giúp mẹ theo dõi sát sao thai kỳ và chủ động hơn trong quá trình sinh nở. Dù là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối, mỗi giai đoạn đều có đặc điểm riêng về vị trí của bé. Điều quan trọng là mẹ cần khám thai định kỳ, tuân thủ lời khuyên của bác sĩ và luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, yêu đời để bé yêu phát triển khỏe mạnh nhất. Moaz BéBé chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh
Nguồn tham khảo: Fetal Positions