Sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân & cách khắc phục
Sau sinh, cân nặng của trẻ thay đổi theo từng tuần, từng tháng. Đa phần trẻ được chăm sóc đúng cách, bú sữa đầy đủ sẽ tăng cân đều theo các mốc thời gian. Tuy nhiên, có một số trẻ lại bị sụt cân sinh lý khiến bố mẹ không khỏi lo lắng. Vậy sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì? Trẻ bị sụt cân có sao không? Hãy cùng Moaz BéBé tìm hiểu kĩ hơn về nguyên nhân, cách khắc phục và các thông tin liên quan đến vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh được hiểu là hiện tượng trẻ sau khi sinh trong vài ngày đầu cân nặng bị giảm so với lúc mới sinh không quá 10% trong khi trẻ ăn ngủ bình thường.
>>Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé Việt Nam từ 0 – 10 tuổi theo WHO
Thông thường, sụt cân sinh lý được chia làm 2 loại
1.1 Sụt cân sinh lý nhanh – hồi phục nhanh
Sau khi sinh sang ngày thứ 2 – thứ 4 cân nặng của trẻ giảm dần, trung bình khoảng từ 20 – 50g/ mỗi ngày. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, cân nặng của trẻ dần được cải thiện và hồi phục nhanh như ban đầu. Theo thống kê trong y khoa, loại sụt cân này chiếm đến 25% gặp ở cả các trường hợp trẻ bú mẹ tốt, khỏe mạnh và mẹ có nhiều sữa.
1.2 Sụt cân sinh lý chậm – hồi phục chậm
Đây là trường hợp sau sinh đến ngày thứ 2, thứ 3 trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị sụt cân và tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày thứ 7, thứ 8 rồi mới dừng lại. Sau đó khoảng 5 – 7 ngày tức là khi trẻ được 12, 13 ngày tuổi cân nặng của trẻ mới về mức ban đầu.
Trường hợp đặc biệt: Cân nặng của trẻ sau sinh ở ngày thứ 3 giảm hơn 10% so với lúc mới sinh và giảm tiếp trong các ngày thứ 4, thứ 5, thứ 6,… đến 20 ngày sau mà trẻ không có dấu hiệu tăng cân trở lại kèm theo các biểu hiện như sốt cao, cơ thể mệt mỏi, uể oải,… bố mẹ cần cho trẻ đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh
Hầu hết, trẻ sơ sinh đều bị sụt cân sinh lý ngay trong những ngày đầu chào đời. Theo các nguồn thông tin uy tín, hiện tượng này thường xuất phát từ các nguyên nhân như:
2.1 Do trẻ bú chưa no
Trẻ không được bú no, cơ thể không được nạp đầy đủ năng lượng là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị sụt cân ngay trong những ngày đầu sau sinh. Để tránh tình trạng này, mẹ cần cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tuyến vú sản xuất sữa và đáp ứng tốt nhu cầu ăn của trẻ. Thường mỗi ngày trẻ sẽ bú mẹ khoảng 8 lần, những ngày đầu mỗi lần trẻ bú từ 10 – 25ml sữa, sau đó sẽ tăng dần lên tới 50 – 60ml sữa mỗi ngày tùy vào nhu cầu của trẻ trong từng thời điểm.
2.2 Do trẻ bú sai tư thế, không đúng khớp ngậm
Trẻ bú sai khớp ngậm, sai tư thế khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình bú. Trẻ sẽ mất nhiều thời gian và năng lượng hơn trong việc bú – mút. Cùng với đó là lượng sữa ra ít, thời gian bú lâu sẽ khiến trẻ dễ cáu gắt, từ chối bú tiếp. Sau nhiều lần như vậy, cơ thể sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, cân nặng vì thế cũng bị ảnh hưởng.
2.3 Do trẻ ngủ quá nhiều không được nạp đủ dinh dưỡng
Đa phần trong tháng đầu trẻ sơ sinh đều ngủ nhiều, nếu không đánh thức trẻ dậy ăn cơ thể trẻ sẽ bị thiếu dinh dưỡng và ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của mẹ.
>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có lợi hay hại? Lời khuyên từ chuyên gia
Do đó, cứ khoảng 3 giờ mẹ nên cho trẻ bú một lần để bé được cung cấp đủ năng lượng phát triển theo nhu cầu ăn hàng ngày.
2.4 Do sữa mẹ về trễ
Có nhiều mẹ sau sinh chưa có sữa ngay hoặc do căng thẳng về tâm lý, mệt mỏi, nhau thai bị sót,… gây ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa khiến sữa về muộn không đáp ứng được nhu cầu ăn của trẻ.
2.5 Do sữa mẹ về ít
Nếu mẹ mắc một số vấn đề về tuyến giáp hoặc từng phẫu thuật vú, buồng trứng đa nang, gặp các vấn đề về nội tiết,.. cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiết sữa của cơ thể. Nguồn sữa mẹ không dồi dào không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ nên cân nặng trẻ sẽ bị giảm sút.
3. Bé sơ sinh bị sụt cân sinh lý có sao không?
Trẻ sơ sinh bị sụt cân sinh lý là điều hết sức bình thường, cân nặng của trẻ sẽ được khôi phục trong 1 – 2 tuần sau đó nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Trong trường hợp bố mẹ thấy trẻ gặp các vấn đề sau hãy đưa con đến thăm khám tại các cơ sở y tế ngay:
- Trẻ bị sụt cân nhanh nhưng không xác định được nguyên nhân
- Sau khoảng thời gian bị sụt cân sinh lý, cân nặng trẻ tăng chậm và ít
- Tháng đầu sau sinh trẻ không có dấu hiệu tăng cân
- Sau khi thức dậy trẻ thường xuyên lờ đờ, mệt mỏi
Trẻ bị sụt cân quá mức có thể phản ánh tình trạng sức khỏe, trẻ có thể mắc một số bệnh lý đáng lo ngại như: bệnh vàng da, hạ đường huyết, suy thận, đông máu, co giật,.. Do đó, bố mẹ cần theo dõi và quan sát sức khỏe trẻ thường xuyên để phát hiện sớm và kịp thời điều trị.
4. Cách khắc phục tình trạng sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh hiệu quả
Để khắc phục tình trạng sụt cân sinh lý ở trẻ hiệu quả, mẹ có thể thực hiện theo các điều sau:
4.1 Cho trẻ bú no theo nhu cầu
Mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm. Trong trường hợp trẻ mải ngủ quên ăn thì cứ sau 3 giờ tính từ cữ bú trước mẹ đánh thức con dậy và cho bú. Như vậy sẽ đảm bảo cung cấp được đầy đủ các chất dinh dưỡng, năng lượng cho cơ thể giúp trẻ phát triển toàn diện và nhanh chóng tăng cân trở lại.
4.2 Cho trẻ bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm
Muốn trẻ tăng cân, mẹ cần điều chỉnh tư thế bú của trẻ sao cho đúng. Trẻ ngậm đúng khớp ngậm mỗi cữ bú sẽ diễn ra hiệu quả hơn. Đồng thời cơ hàm của trẻ cũng phát triển tốt, hạn chế được tình trạng mẹ bị nứt cổ gà.
Dưới đây là cách cho trẻ bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm mẹ có thể tham khảo:
Bước 1: Mẹ bế trẻ nằm thoải mái, một tay đỡ phần đầu và thân trên của trẻ sao cho đầu cao hơn so với thân và áp sát vào lòng mẹ, miệng trẻ ở ngang bầu vú
Bước 2: Điều chỉnh tư thế bú sao cho phần đầu và người trẻ nằm nghiêng, bụng trẻ áp vào bụng mẹ, miệng trẻ chạm bầu vú mẹ.
Bước 3: Chạm phần đầu ti mẹ vào mũi của trẻ để trẻ ngửi thấy mùi thơm của sữa kích thích bản năng trẻ há miệng to. Mẹ căn thời gian và độ há miệng của trẻ từ từ cho ti vào miệng trẻ theo hướng từ trên mũi xuống. Lúc này, trẻ sẽ ngậm đúng khớp ngậm và bú được nhiều sữa nhất có thể.
4.3 Đảm bảo chất lượng nguồn sữa mẹ
Mặc dù, trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ là tốt nhất nhưng để cải thiện cân nặng của trẻ mẹ cũng cần quan tâm đến số lượng và chất lượng sữa. Mẹ hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc cũng như giữ tinh thần thoải mái để cơ chế tiết sữa diễn ra hiệu quả và con được bú no, nguồn sữa chất lượng, sữa về dồi dào.
4.4 Tăng số lần và thời gian trẻ bú mẹ
Để trẻ tăng cân trở lại và tăng cân đều, mẹ có thể gia tăng số lần trẻ bú trong ngày và thời gian trẻ bú mỗi lần. Hãy đảm bảo rằng trẻ luôn được bú no, không bị đói. Đây là cách tốt nhất để giảm nguy cơ sụt cân ở trẻ và tránh được bệnh trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi.
Việc trẻ cải thiện được tình trạng sụt cân sinh lý và tăng cân đều đặn trở lại là dấu hiệu tốt chứng tỏ trẻ đang phát triển bình thường. Do đó, bố mẹ cần quan sát và theo dõi cân nặng trẻ sát sao, nếu xuất hiện những điều bất thường hãy cho trẻ đi thăm khám bác sĩ để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Hy vọng những thông tin liên quan đến sụt cân sinh lý ở trẻ sơ sinh Moaz BéBé chia sẻ phía trên đã giúp mẹ có thêm nhiều kiến thức hay trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ. Hãy theo dõi Moaz BéBé thường xuyên để cập nhật các thông tin hữu ích khác nữa nhé! Chúc mẹ và bé có sức khỏe tốt.